1. Bao bọc hay để con tự lập?
Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp cảnh tượng những bậc cha mẹ Việt quá bao bọc con, làm thay con từng việc từ nhỏ tới lớn. Ở tuổi mầm non, nhiều mẹ Việt không cho con làm bất cứ việc gì vì sợ bẩn, sợ con làm hỏng, hay sợ con mệt. Học tiểu học hay trung học cũng vậy, các con chỉ việc lo học tốt, còn những vấn đề khác không cần quan tâm. Hình ảnh những học sinh lớn tướng, ngồi trên yên xe để bố mẹ gồng mình đẩy xe trong những ngày mưa ngập không hiếm.
Ở tuổi mầm non, nhiều mẹ Việt không cho con làm bất cứ việc gì vì sợ bẩn, sợ con làm hỏng, hay sợ con mệt.
Thậm chí, tới bậc đại học thì nhiều mẹ “lo ngay ngáy” khi con chuẩn bị vào đại học, ra ở trọ mà cơm không biết nấu, còn thiếu cả kỹ năng chăm sóc bản thân. Thêm vào đó, hầu hết các bố mẹ Việt đều lo chu toàn tài chính cho con trong suốt những năm con học đại học chứ không để con làm thêm vì sợ con… vất vả.
Bởi vậy mà việc quyết định để con tự lập, ngủ riêng, vệ sinh cá nhân, hay tham gia vào việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa với một số gia đình là xa xỉ và còn gây nhiều tranh luận.
2. Đánh hay không đánh?
Việc kỷ luật thế nào để trẻ ngoan cũng là một vấn đề khiến các ông bố bà mẹ Việt bàn luận như không có hồi kết. Một số cha mẹ thì cho rằng “yêu cho roi cho vọt”, theo họ thì nên đánh để trẻ biết sợ thì mới ngoan. Trong khi đó, một số cha mẹ lại phản đối gay gắt phương án này khi cho rằng việc đánh trẻ sẽ tạo ra những tổn thương lớn về tinh thần cho đứa trẻ.
Hầu hết, các bậc cha mẹ đều chia sẻ, vì họ không kiềm chế được tức giận nên thỉnh thoảng vẫn đánh con. Nhưng ngay cả với những bậc cha mẹ có quan điểm “dạy con thì phải đánh” cũng còn tranh luận rằng: khi nào thì nên đánh con, đánh thế nào, và liệu đánh con có thật sự có ý nghĩa răn đe?
Chính các bậc cha mẹ này cũng không chắc chắn về những tác động xấu đến tinh thần của trẻ là gì nếu áp dụng phương pháp đánh và đánh có phải là phương pháp kỷ luật tốt không?
3. Dỗ dành hay để mặc con khóc?
Dỗ dành hay cứ để mặc con khóc là cũng là vấn đề được các mẹ tranh cãi rất nhiều. Một số bậc phụ huynh theo đuổi và áp dụng thành công phương pháp rèn luyện cho con ngủ riêng ngay từ khi còn nhỏ. Theo đó, thì mới đầu, con sẽ khóc trong khoảng thời gian rất dài rồi sau thời gian bé khóc sẽ từ từ rút ngắn lại và quen dần với việc tự ngủ một mình. Trong khi đó, một số bậc cha mẹ thất bại khi áp dụng cách này và họ cho rằng, những phụ huynh để con khóc trong khoảng thời gian dài như vậy là quá tàn nhẫn.
Tương tự, trong một hoàn cảnh khác, khi đưa con đi siêu thị, hoặc tới nhà hàng cùng mẹ, con bất ngờ khóc lóc, la hét khi con không được mua thứ đồ chơi mà con yêu thích… các bậc cha mẹ tranh luận trong tình huống đó thì nên dạy con theo cách của mình hay đáp ứng nhu cầu của con để con ngừng khóc? Một số người cho rằng nên dỗ dành con, không nên để con khóc ở nơi đông người, ảnh hưởng tới người khác.
Tuy nhiên, nhiều người khác thì cho rằng, muốn dạy con tự lập thì việc thỏa hiệp với con trong bất cứ hoàn cảnh nào đều không nên. Bởi lẽ, theo họ, việc thỏa hiệp với con 1 lần đồng nghĩa với việc sẽ khiến con được đà, lấn tới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]