Tổ chức trò chơi học tập
Theo GS.TS Lê Phương Nga, trong thực tế dạy học, giờ học nào tổ chức trò chơi cũng đều gây được không khí học tập hào hứng, thoải mái, vui nhộn.
Nghiên cứu cho thấy, trò chơi học tập có khả năng kích thích hứng thú và trí tưởng tượng của trẻ em và kích thích sự phát triển trí tuệ.
Tuy nhiên, lưu ý của GS.TS Lê Phương Nga, trò chơi học tập nhất thiết phải là một bộ phận của nội dung bài học, phải là một phần cấu tạo nên bài học.
Trong trò chơi, khi mọi thứ đều thật, chẳng hạn trong môn Tiếng Việt, từ vẫn là từ, câu vẫn là câu, trò vẫn là trò, thầy vẫn là thầy..., trò chơi sẽ bớt phần thú vị.
Trò chơi cuốn hút trẻ em hơn nếu có được sự giả định từ tên gọi, từ người tham gia, từ tình huống đến kết quả chơi.
Ví dụ nhóm trò chơi Trong vườn cổ tích, khai thác tính giả định của trò chơi từ nguồn văn bản truyện cổ. Khi đó, trò chơi vừa minh hoạ sinh động kiến thức, kĩ năng tiếng Việt, vừa tạo ra được một không khí cổ tích huyền diệu, gợi lại nội dung các văn bản truyện cổ mà học sinh đã học ở phân môn Tập đọc hay Kể chuyện.
Từ truyện Tấm Cám, xây dựng trò chơi “Chim sẻ giúp cô Tấm” dành cho các bài tập nhận diện, phân loại,... Từ truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, có thể xây dựng trò chơi “Dâng núi chống lụt” cho những bài tập chính tả, làm giàu vốn từ,...
Cũng có thể kể vào trò chơi học tập hoạt động sắm vai. Đây là một trò chơi có nhiều lợi thế để dạy học Tiếng Việt. Sắm vai trong dạy học là nhận một vai giao tiếp nào đó nhằm thể hiện sinh động nội dung học tập.
Hình thức học tập sắm vai nhiều khi rất vui nhờ những chi tiết hài hước, ngộ nghĩnh do những “diễn viên bất đắc dĩ” tạo nên.
Hình thức sắm vai đặc biệt phát huy tác dụng trong các giờ tập làm văn rèn kĩ năng nói, nó giúp học sinh được thực hành giao tiếp, được quan sát trực tiếp hoạt động nói với sự kết hợp sinh động của phương tiện âm thanh và các yếu tố phi ngôn ngữ.
Tổ chức hoạt động học theo nhóm
Theo GS.TS Lê Phương Nga, học theo nhóm là hình thức học tập có sự hợp tác của nhiều thành viên trong lớp nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập chung.
Được tổ chức một cách khoa học, học theo nhóm sẽ phát huy tính tích cực, sáng tạo, năng lực, sở trường, tinh thần và kĩ năng hợp tác của mỗi thành viên trong nhóm.
Trong giờ học Tiếng Việt, biện pháp này đã tạo nên một môi trường giao tiếp tự nhiên, thuận lợi, đó là hoạt động giao tiếp nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của những người bạn.
Tổ chức dạy học ngoài không gian lớp học
Trong dạy học truyền thống, dạy học ngoài không gian lớp học hay lớp học mở được hiểu rất rộng bao gồm các cuộc dã ngoại, các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, các cuộc thi thử tài.
Nói riêng về hình thức dạy học ngoài trời, GS.TS Lê Phương Nga cho biết, hình thức này giúp học sinh tìm hiểu rất nhiều kiến thức, kĩ năng từ cuộc sống; có nhiều lợi thế phát triển năng lực giao tiếp; tạo điều kiện để học sinh quan sát thiên nhiên, chơi các trò chơi.
Tổ chức tiết học ngoài trời sẽ giúp học sinh tri giác trực tiếp đối tượng và ghi nhớ tốt, không phải tri giác gián tiếp qua các phương tiện dạy học.
Học sinh có điều kiện gần gũi, hiểu biết về thiên nhiên, từ đó có ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống xung quanh.
Hoạt động ngoài lớp còn là cơ hội để học sinh bộc lộ cá tính, năng khiếu, sở trường, đồng thời có tác dụng hình thành thói quen hợp tác, tương trợ, học hỏi lẫn nhau.
Ngoài ra, trong môn Tiếng Việt, nhiều nội dung nói viết của phân môn Tập làm văn gắn liền với môi trường địa phương, nơi học sinh đang sinh sống nên việc dạy học ngoài không gian lớp học lại càng quan trọng.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]