Vi phạm đạo đức hay sai quy trình?
Bài báo khoa học có tựa đề: "Nâng cao chất lượng điều trị bệnh hen suyễn bằng cách sử dụng chất chống oxy hóa có nguồn gốc thiên nhiên" của hai tác giả là Tiến sỹ Nguyễn Văn Toàn (giảng viên khoa công nghệ sinh học, trường đại học Quốc tế, đại học Quốc gia TP. HCM) và vợ là Trần Thị H. Sau khi bài báo đăng được hơn một năm, Ban biên tập tạp chí SpringerPlus nhận phản hồi từ phía độc giả về những khác biệt giữa bài báo được công bố và bản đăng ký nên đã yêu cầu TS. Toàn đưa ra những bằng chứng về việc thực hiện các quy định dành cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT).
Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM.
Tạp chí SpringerPlus thừa nhận việc chấp thuận công bố nghiên cứu này do ban biên tập hiểu nhầm bài báo của TS. Toàn đã được đánh giá tích cực từ một tạp chí có uy tín khác nằm trong hệ thống Springer. Sau khi có phản ánh, tạp chí này yêu cầu tác giả cung cấp bằng chứng liên quan với ba lý do. Một là, việc bệnh nhân có tự nguyện ký tên đồng ý tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Hai là, tác giả có ghi nơi liên kết để hoàn thiện bài báo này, ngoài trường đại học Quốc tế còn có một trường đại học West of England. Ba là, tạp chí yêu cầu tác giả cung cấp bằng chứng về việc đã thông qua một hội đồng y đức. Tất cả những yêu cầu đó, tác giả bài viết đều không cung cấp được. TS. Toàn thừa nhận, công trình nghiên cứu của ông không được thông qua hội đồng y đức và không có bằng chứng bằng văn bản về sự đồng ý tham gia nghiên cứu của bệnh nhân.
Được biết, TS. Toàn có chuyên môn về công nghệ sinh học nhưng chưa từng thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào trên đối tượng con người. Năm 2007, TS. Toàn tốt nghiệp Tiến sỹ tại đại học West of England, và được hướng dẫn bởi Giáo sư Steven Neill. Trong bài viết của mình, TS. Toàn có ghi cố vấn khoa học của thử nghiệm lâm sàng này là GS. Steven Neill. Tuy nhiên, khi bài báo được thông báo sẽ bị rút xuống khỏi tạp chí SpringerPlus, trường đại học Quốc tế đã liên hệ với Giáo sư Steven Neill, thì được biết ông không tham gia công trình nghiên cứu của TS. Toàn, và lĩnh vực nghiên cứu này không thuộc chuyên môn của ông.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, để làm rõ các vấn đề này, nhà trường đã thành lập hội đồng độc lập với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm. Theo kết luận của hội đồng nhà trường, TS. Toàn xuất thân từ gia đình có truyền thống Đông y. Từ kinh nghiệm thực tế chữa bệnh hen suyễn, TS. Toàn đã thực hiện nghiên cứu với mong muốn phổ biến bài thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân hen suyễn. Đây là một thiện ý. Tuy nhiên, vì không có chuyên môn về y học và có sự hiểu biết chủ quan về Đông y, TS. Toàn đã không nắm được các quy định chặt chẽ về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, dẫn đến việc không tuân thủ các quy định này.
Cũng theo hội đồng nhà trường, ĐH West of England và GS. Steven Neill hoàn toàn không liên quan đến đề tài nghiên cứu hen suyễn của TS. Toàn. Việc TS. Toàn ghi tên trường ĐH West of England và GS. Steven Neill như là một tri ân nơi đã đào tạo là một việc làm sai, cần phải rút kinh nghiệm cho những công bố khoa học về sau. TS. Toàn thực hiện toàn bộ nghiên cứu tại nhà và không báo cáo với nhà trường. Nhà trường cũng không có hội đồng chuyên môn và hội đồng y đức để đánh giá, cũng như không hỗ trợ về nhân sự và cơ sở vật chất. Qua sự việc này, tác giả đã thừa nhận sai lầm và rất hối tiếc.
Tác giả thừa nhận sai lầm, nhà trường nhận khiếm khuyết
PGS.TS. Hồ Thanh Phong cũng cho biết, theo quy định của nhà trường, giảng viên phải công bố ít nhất một bài báo quốc tế hoặc hai bài báo trong một năm. Các tác giả, nhà nghiên cứu có trách nhiệm tuân thủ các quy định quốc tế và quy định của tạp chí mình gửi đăng. Đây là một sai lầm đáng tiếc của tác giả, tuy nhiên, vụ việc cũng là kinh nghiệm quý báu để nhà trường hoàn thiện chính sách quản lý, hỗ trợ công bố khoa học của cán bộ giảng viên. Việc bài báo khoa học bị rút khỏi tạp chí là do TS. Toàn không hiểu được những quy chuẩn khắt khe của ngành y nên thành ra vi phạm quy định của WHO.
PGS. TS Hồ Thanh Phong trao đổi với PV.
Về việc bài viết có mạo danh hay không, PGS.TS. Hồ Thanh Phong cho rằng: "Chúng tôi vẫn đang gấp rút tìm hiểu vấn đề này. Tôi được biết là khi viết bài báo này TS. Toàn có đưa cho GS. Steven Niell xem và xin ý kiến. Vị giáo sư này nói đừng để tên của trường vào vì ông không làm nghiên cứu này và vấn đề đó cũng không thuộc chuyên môn của ông ấy. Hiện trường đang tập hợp thông tin, tổ chức điều trần, trong từng mục sẽ có hội đồng chuyên sâu riêng đánh giá và sẽ có một buổi họp báo thông tin với báo chí. Trường không có hội đồng y đức vì trường không phải đào tạo ngành y, các nghiên cứu y sinh này cũng mới. Đây là một khiếm khuyết của trường, sắp tới trường sẽ thành lập hội đồng này".
Theo TS. Phong, nhà trường cũng nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết và sẽ tích cực hoàn thiện quy trình quản lý của mình. Sắp tới, nhà trường sẽ báo cáo ĐH Quốc gia TP.HCM, và thành lập hội đồng đạo đức trong nghiên cứu khoa học để hoàn thiện quy trình xét duyệt, bắt buộc trong các thử nghiệm khoa học trên đối tượng con người và động vật. Dù các nghiên cứu trên lĩnh vực y sinh hay Xã hội, cũng phải tuân thủ các quy định y đức Việt Nam và tuyên bố Helsinki. Bên cạnh đó, trường sẽ hoàn thiện các quy trình quản lý về các đề tài và các công bố khoa học từ mọi nguồn tài trợ đối với giảng viên và nghiên cứu trong trường trên tinh thần tôn trọng "tự do học thuật" nhưng vẫn đảm bảo theo quy chuẩn quốc tế và quy định của nhà trường; đề ra những giải pháp tích cực, tạo điều kiện cho giảng viên yên tâm giảng dạy và nghiên cứu.
Cái gì là thiện ý thì ghi nhận, điều gì sai phải chỉ ra rõ
Trao đổi với PV về việc có hình thức kỷ luật nào đến TS. Toàn hay không, PGS. TS. Phong cho biết: "Sẽ có hình thức xử lý theo các quy định, nhưng cần có thời gian và tuân theo quy trình từ bộ môn, khoa và nhà trường. Hình phạt lớn nhất tôi nghĩ TS. Toàn đã phải chịu rồi, đó là sự giày vò, sự ân hận cả thanh danh nữa. Vì thế, nhà trường sẽ xem xét thấu đáo nhiều khía cạnh. Cái gì là thiện ý thì ghi nhận, điều gì sai phải chỉ ra rõ, và quan trọng là cơ chế để sau này không lặp lại những sai phạm nữa. Tôi thừa nhận, bản thân tôi và nhà trường cũng có những thiếu sót, nên để xảy ra những việc không mong muốn. Tôi tâm niệm rằng, đã sai thì phải chịu trách nhiệm, sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó. Công - tội rõ ràng, nhưng nên tạo điều kiện cho những người sai để họ có thể phấn đấu".
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]