“Mờ mắt” tìm trường có khối thi mới
Em Nguyễn Văn Tuấn (Nam Sách, Hải Dương) là thí sinh dự thi cụm do Học viện Nông nghiệp chủ trì, mấy ngày nay mất ăn mất ngủ vì dành nhiều thời gian lên mạng chọn trường gửi hồ sơ xét tuyển. Tuấn cho biết em dự định thi khối A nhưng tổng điểm 3 môn khối A chỉ được 15 điểm, trong khi đó tổ hợp môn thi toán, văn, lý lại được 18,7 điểm (thêm 1 điểm cộng nữa là 19,7 điểm). “Tổ hợp 3 môn thi này thuộc khối A2, một khối thi mới được bổ sung từ năm 2015 nhưng em tìm mờ mắt mà cũng chưa được trường nào ưng ý.
Các trường ngoài Bắc thì rất ít tuyển khối này, chủ yếu tập trung ở khối trường dân lập, mà học dân lập học phí cao nhà em không kham nổi. Một số trường công lập có khối A2 thì ở tít trong Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh” – Tuấn nói.
Thí sinh cần thận trọng chọn trường để không đánh mất cơ hội (ảnh minh hoạ). Ảnh: Tùng Anh
Dự kiến ngày 28.7 công bố điểm sàn Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, đến hết ngày 20.7, các trường đại học sẽ phải hoàn tất công tác chấm thi và công bố điểm thi sau đó các trường sẽ gửi điểm thi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Diệu Thu |
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, em Nguyễn Thị Kim Ngân (Việt Trì, Phú Thọ) không ngờ tổ hợp môn thi cao điểm nhất của em lại là khối C1 (văn, sử, tiếng Anh) được 22 điểm do điểm tiếng Anh rất cao, trong khi khối C (văn, sử, địa) chỉ được 17 điểm. Ngân cho biết, các ngành xét tuyển khối C đã hiếm, khối C1 lại càng hiếm hơn: “Giờ em không biết nên thế nào, dùng 17 điểm để xét tuyển hay dùng 22 điểm?
Tìm mãi mới thấy có khoa Việt Nam học của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh khối này, chỉ tiêu 160 người trong đó có cả khối C và khối D. Trong khi, chỉ tiêu dành cho các khối thi mới thường ít nhất, vì vậy cơ hội đỗ là rất mong manh”.
Mẹ Ngân - chị Hoàng Thị Luyến cũng cho biết thêm, hiện cả nhà phải “vào cuộc” để phân tích xem con nên nộp hồ sơ trường nào để không trượt. “Mấy ngày nay, cả nhà mỗi người 1 việc, người thì xem phân tích phổ điểm, xem điểm các năm trước, rồi xem khối thi đó có trường nào xét tuyển không, chỉ tiêu bao nhiêu, cơ hội đỗ là bao nhiêu %? Đúng là đau đầu tính toán không khác gì... chơi chứng khoán” – chị Luyến phàn nàn.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay có gần 100 tổ hợp môn thi có thể sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ, trong đó có rất nhiều tổ hợp môn thi mới. Điều kiện cho các tổ hợp môn thi mới là phải có môn toán, ngữ văn hoặc cả toán và ngữ văn trong 3 môn. Tuy nhiên, để “an toàn” rất ít trường sử dụng khối thi mới để xét tuyển. Có trường xét tuyển thì chỉ tiêu dành cho các khối thi mới là rất ít. Mặc dù Bộ GDĐT đã “nới” quy định có thể tuyển sinh bằng tối đa 50% khối thi mới (năm 2015 là 25%) nhưng hầu hết các trường chỉ dành từ 10 – 15%, điều này hạn chế rất nhiều cơ hội cho những thí sinh có điểm khối thi mới cao.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, dùng tổ hợp môn thi mới để xét tuyển là khá “mạo hiểm”, thí sinh cần cân nhắc về chỉ tiêu (ít nhất từ 20 – 50% chỉ tiêu của ngành) và mức điểm phải cao hơn điểm chuẩn của các khối thi truyền thống từ 1 – 2 điểm mới nên dùng để xét.
Bí quyết trúng tuyển cao
Tư vấn về nguyên tắc chọn trường dễ trúng tuyển, TS Vũ Viết Bình – Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng câu hỏi đầu tiên thí sinh phải nghĩ đến khi đặt bút viết hồ sơ xét tuyển là: Mình có thích ngành học đó không?
“Không nên coi việc xét tuyển ĐH như chơi chứng khoán, thí sinh và phụ huynh nên cân nhắc chọn nghề theo sở thích, đam mê và năng lực. Không xét tuyển chỉ với mục đích đỗ vào ĐH và chờ đợi may rủi” -ông Bình nói.
Về việc chọn tổ hợp môn thi xét tuyển, ông Bình cho rằng, hiện ở nhiều trường, 1 ngành có thể xét tuyển nhiều khối thi. Có nhiều cách để tăng cơ hội trúng tuyển như, dùng các khối thi khác nhau xét cùng 1 ngành của cùng 1 trường hoặc dùng các khối thi khác nhau xét tuyển cùng ngành đó ở các trường khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là vào được ngành mà mình yêu thích.
Trong khi đó, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) thì lưu ý, thí sinh phải tính toán thật kỹ vì khi nộp hồ sơ xong sẽ không được sửa. Nguyên tắc ông Nghĩa đưa ra là: Căn cứ đầu tiên là sở thích, tiếp theo là điểm xét tuyển của trường, ngành (tham khảo điểm chuẩn của các năm trước và phổ điểm), sau đó là điểm mình đạt được. Về phổ điểm, ông Nghĩa cho rằng: “Năm nay, phổ điểm gần giống như năm trước, tuy nhiên, số lượng thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH-CĐ giảm nhiều nên điểm xét tuyển của các trường có nhiều khả năng sẽ giảm hơn năm trước. Nếu thí sinh có điểm bằng điểm chuẩn của trường năm trước thì khả năng sẽ trúng tuyển, nhưng nếu thấp hơn khoảng 0,5 điểm thì hơn mạo hiểm nếu gửi hồ sơ”.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thì khuyên: “Thí sinh sau khi quyết định được ngành và trường xét tuyển nên nộp hồ sơ càng sớm càng tốt, không nên “đứng núi này, trông núi khác” mà chờ đợi đến những ngày cuối sẽ bị ảnh hưởng tâm lý lớn hơn. Sau khi có kết quả trúng tuyển thì nhanh chóng nộp giấy báo kết quả thi để khẳng định mình học ở trường này. Nếu sau thời gian quy định mà các em không nộp giấy báo điểm, coi như các em bị hủy kết quả trúng tuyển ở trường đó”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]