Theo đó, cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức.
Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH tổ chức. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Trước phương án thi này, ông Nguyễn Ngọc Lạc - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) - bày tỏ sự tự tin về tính khách quan, công bằng của kết quả thi THPT quốc gia khi tổ chức cụm thi tại mỗi tỉnh, thành.
Lý do thứ nhất, việc tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2015, nhưng cần tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi để công nhận tốt nghiệp THPT do các Sở GD&ĐT chủ trì; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc Sở GD&ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì.
Lý do thứ hai, cũng là lý do quan trọng nhất - đó là bắt nguồn từ thực tiễn tổ chức thi tốt nghiệp THPT những năm trước và kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Lạc cho biết: Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã căn cứ vào kết quả học tập của học sinh để phân ra các đối tượng: Đối tượng học để dự thi với mục đích được công nhận tốt nghiệp THPT và đối tượng học để thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Trong số học sinh học để thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, Sở GD&ĐT tiếp tục phân chia thành đối tượng nhắm đến các trường đại học tốp trên và trường ĐH, CĐ tốp trung hoặc các trường nghề...
Trên cơ sở phân loại học sinh, sau khi kết thúc chương trình năm học, Sở GD&ĐT tổ chức ôn tập theo từng đối tượng. Chương trình ôn tập cũng được biên soạn phù hợp với từng đối tượng học sinh như vậy.
Việc này được Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Thực tế cho thấy, kết quả đạt được là rất tốt, bởi quá trình ôn tập phù hợp với các đối tượng học sinh như thế đã động viên, kích thích tính được tính tích cực, tự giác và chủ động học tập của học sinh.
Về giáo viên, Sở GD&ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm định hướng cho giáo viên, đặc biệt giáo viên mới tham gia dạy lớp 12 về nội dung ôn tập cũng như phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh; xác định mức độ kiến thức, kỹ năng cần đạt ở từng đối tượng để có chương trình dạy phù hợp.
Năm 2015, toàn bộ giáo viên dạy lớp 12 các bộ môn thi THPT quốc gia của tỉnh Hà Tĩnh đều được Sở GD&ĐT tập huấn rất cụ thể, chi tiết về nội dung, chương trình dạy học, mức độ kiến thức, kỹ năng...
Trong công tác tổ chức thi, theo ông Nguyễn Ngọc Lạc, Hà Tĩnh tổ chức thi tốt nghiệp THPT những năm trước và thi THPT quốc gia rất nghiêm túc.
Từ năm 2007, Sở đã quán triệt chủ trương “học sinh không mang tài liệu vào trường thi”. Học sinh đều chủ động, tích cực ôn tập, nắm vững kiến thức nên tự tin và rất nghiêm túc làm bài thi. Do đó, nhiều năm liền, chất lượng giáo dục đại trà của Hà Tĩnh đạt kết quả cao, ổn định.
Bên cạnh giữ vững chất lượng giáo dục đại trà, Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương có chất lượng giáo dục mũi nhọn cao của cả nước. Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 77 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia trên tổng số 91 em dự thi, chiếm tỷ lệ 85%. Số lượng học sinh đoạt giải của tỉnh chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng và Nghệ An" - ông Nguyễn Ngọc Lạc thông tin.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]