Cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất in lô-gô NXB Trẻ phát hành một lần nữa như lửa đổ thêm dầu khiến cho nhiều cái đầu lạnh cũng phải phẫn nộ vì bức xúc...
Bắc thang lên hỏi... ông trời
Báo Đời Sống và Pháp Luật tại số 118 đã đăng bài viết "Lùm xùm quanh giải Sách hay 2014: Cuốn sách tái bản được xem là thảm họa so với tác phẩm gốc" và bài phản ánh thông tin Hội đồng xét giải sách hay 2014 trao giải cho cuốn sách tái bản từ cuốn sách của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi. Cứ tưởng, sự việc về những sự cố xuất bản đã dừng lại sau những lùm xùm trên nhưng không ngờ, hiện nay, ồn ào, có lẽ là những lỗi của cuốn sách Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất in lô - gô NXB Trẻ phát hành. Theo đó, cuốn từ điển này có nhiều chỗ giải thích nghĩa sai lệch bản chất từ ngữ. Ví dụ như từ "quản giáo" được giải thích là: "Người coi một giáo đường hay tu viện"; "tao đàn" là "chỗ nằm của tao nhân thi sỹ"; "tù trưởng" là "người đứng đầu trông coi tội nhân"; "bế mạc" là "hết dứt buổi hát"; "bóng đèn" là "bóng làm bằng chai trong có tim đốt được bằng hơi điện"; "bồ bịch" là "bạn bè thân thích"... Lạ ở chỗ, cuốn từ điển đầy lỗi sai này vẫn có trong danh mục tra cứu của Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Cuốn từ điển giải thích nhiều khái niệm một cách sai lệch (Ảnh Infonet).
Mới đây, báo chí cũng tiếp tục đưa tin một cuốn sách của cố GS. Trần Quốc Vượng đã bị NXB Thời đại, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nhà sách Thăng Long (TP.HCM) liên kết tái phát hành mà chưa có sự đồng ý của gia đình tác giả. Nhưng điều quan trọng nhất là người đọc tiếp tục phát hiện ra hàng tá lỗi sai từ lớn tới nhỏ trong khâu biên tập và chỉnh lý cuốn sách này. Cũng giống như cuốn sách của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, cuốn sách của cố GS. Trần Quốc Vượng bị thay tên rất tùy tiện. Tên gốc của tác phẩm là "Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm" (do NXB Văn học ấn hành năm 2003) khi GS. Trần Quốc Vượng còn sống. Nhưng đến khi tái bản thì cuốn sách bị rút xuống thành "Văn hóa Việt Nam" cùng với đó là tình trạng cắt xén những bài viết trong tác phẩm gốc, đồng thời cấu trúc lại bố cục so với tác phẩm ban đầu.
Cụ thể, cuốn sách gốc của cố GS. Trần Quốc Vượng được chia làm 6 mục lớn: I. Những vấn đề chung, II. Diễn trình văn hóa, III. Văn hóa dân gian, IV. Nghệ thuật, V. ứng xử, VI. Danh nhân; đồng thời có cả mục lục bằng tiếng Anh. Thế nhưng, ở cuốn sách tái bản, toàn bộ phần mục lục tiếng Anh bị tước bỏ và việc phân chia các phần cũng được đánh đồng với nhau. Đáng chú ý là phần biên tập rất cẩu thả, tùy tiện, không nhất quán. Ngay bài đầu tiên có tên "Truyền thống văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á và Đông á" những chú thích tên tiếng Pháp đều viết sai. Đặc biệt, tất cả những chữ Hán đều biến mất, khiến cho câu trở nên lộn xộn đến ngớ ngẩn. Những chữ viết in hoa nhằm nhấn mạnh ý hoặc vấn đề của cố GS. Trần Quốc Vượng nhiều chỗ bị cào bằng thành chữ thường.
Độc giả vô tình trở thành người soát lỗi cho những cuốn sách còn nhiều "sạn"? (Ảnh minh họa)
... tại sao xuất bản mà thiếu thông tin?
Liên quan đến cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh in lô - gô NXB Trẻ phát hành năm 2001 đang gây xôn xao dư luận, trao đổi với báo Đời Sống và Pháp Luật, bà Minh Phúc, phụ trách truyền thông của NXB Trẻ cho biết: "Hiện tại, NXB Trẻ đang làm việc với Thư viện Quốc gia Việt Nam. Trong tuần này, NXB sẽ sớm có câu trả lời chính xác nhất và sẽ gửi công văn cho các báo".
Điều khiến dư luận cảm thấy vô cùng bất ngờ là đến thời điểm hiện tại, NXB Trẻ vẫn chưa có những thông tin đầy đủ về tác giả của cuốn từ điển mà đơn vị này phát hành... Khi PV đặt câu hỏi tác giả Vũ Chất là ai, bà Minh Phúc cho hay: "Hầu như bây giờ không ai biết Vũ Chất là ai. Theo một tư liệu cũ thì đó là một học giả sinh vào khoảng năm 1960 trở về trước. Bây giờ, không ai biết tác giả này là ai và NXB Trẻ cũng không có hồ sơ của tác giả này. Chúng tôi đang truy tìm lý do vì sao lại có cuốn sách ấy trên thị trường và trên Thư viện Quốc gia. Cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mà báo chí đang nói là phát hành năm 2001. Sách đã quá lâu rồi, trên thị trường không có, chỉ có một cuốn lưu ở Thư viện Quốc gia mà thôi".
Bà Phúc cũng cho biết, quy trình xuất bản một cuốn sách gồm các bước: Bản thảo gửi tới sẽ được biên tập, thẩm định và được in theo hai loại: Sách liên kết (liên kết với các đơn vị kinh doanh, phát hành ngoài - PV) và sách loại A là sách ở NXB Trẻ đầu tư từ A đến Z. Sau khi biên tập, NXB sẽ gửi bản "phôi" cho tác giả, nếu tác giả đồng ý in thì bản "phôi" đó sẽ gửi lên ban giám đốc để thẩm định và sau đó in sách. Bà Minh Phúc cho biết thêm, NXB Trẻ cũng đang đi tìm xem cuốn sách đó có phải là việc "mạo danh" NXB Trẻ hay không. Hiện, có rất nhiều cuốn sách đã bị một số đơn vị in lậu, in chui.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết: "Việc nhiều cuốn sách có chất lượng không tốt được bày bán, lưu hành trên thị trường là thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Với cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, sẽ khó mà tìm được ai là tác giả Vũ Chất. Tôi cũng thắc mắc là NXB Trẻ đang cho rằng, mình bị mạo danh nhưng lại không làm đơn kiện gửi lên cục Xuất bản, in và phát hành? Điều bi hài là cuốn sách bán quá chạy nên sự phát tán rất nhanh. Các nhà ngôn ngữ học đã từng rất "kêu" nội dung trong cuốn này nhưng tại sao không có đơn vị quản lý nào để ý cả".
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nếu một cuốn sách ra đời thì phải có hợp đồng giữa hai bên và hai hồ sơ được lưu trữ: Một là nhà in, hai là cục Xuất bản, in và phát hành giữ. Đó là việc bắt buộc, vì thế, việc tìm không ra tác giả là ai là điều bất bình thường. Quy trình xuất bản một quyển từ điển là phải qua viện Ngôn ngữ học, cục Xuất bản, in và phát hành không thể thẩm định được do không đúng chuyên ngành. Với những quyển sách như quyển Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh thì bên NXB Trẻ phải thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, mời các chuyên gia bên viện Ngôn ngữ học vào thẩm định và chi phí này do NXB phải chịu...
Một nhà văn xin được giấu tên cho biết: "Thông thường, sách in không chuẩn, có vấn đề về nội dung thì người ta sẽ truy tìm đến NXB, khi thấy oan, đơn vị đó phải lên tiếng nhưng đến giờ phút này NXB Trẻ vẫn chưa giải quyết được vụ việc càng làm dư luận nghi ngờ về việc kiểm duyệt nội dung tác phẩm và không biết sách đã bị lọt ở khâu nào? Qua sự việc này, tôi thấy rằng, nếu sách có liên kết thì cũng phải có hồ sơ. Vì thế, nhiều người đã nghi vấn rằng: Sách ra đời với sự làm việc giữa các cá nhân và có sự ăn chia lợi nhuận bán sách với nhau?
Trả lời về vấn đề xử lý cuốn từ điển tiếng Việt của tác giả Vũ Chất, ông Chu Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản, in và phát hành khẳng định với báo chí: "Trước hết, cục Xuất bản, in và phát hành sẽ có công văn yêu cầu NXB Trẻ giải trình vấn đề trên. Nếu ban biên tập của NXB làm sai đến đâu, họ cũng phải nhìn nhận đến đó. Cục sẽ lấy thêm ý kiến từ Hội đồng khoa học của viện Khoa học xã hội Việt Nam để xác định chính xác lỗi sai và mức độ sai phạm. Sau khi đã xác định những lỗi sai của cuốn từ điển này, nhẹ thì sửa chữa rồi mới được phát hành, nặng thì thu hồi, cấm lưu hành vĩnh viễn".
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]