Thí sinh làm thủ tục xét tuyển tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ được dùng đồng thời cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả để đăng ký xét tuyển vào ba trường đại học khác. Với mỗi trường, các em được đăng ký tới 4 nguyện vọng. Theo đó, tổng số nguyện vọng dành cho thí sinh trong một đợt xét tuyển bổ sung là 12 nguyện vọng.
Cơ hội cho thí sinh là rất lớn, còn các trường đại học lại lo thí sinh ảo.
Rộng cửa cho thí sinh
Theo thống kê chiều 26/8 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn hơn 100 trường đại học, cao đẳng thiếu chỉ tiêu xét tuyển. Các trường ở khắp ba vùng Bắc, Trung, Nam, trong đó có cả các trường công lập và ngoài công lập, với hàng chục nghìn chỉ tiêu ở rất nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang tuyển hơn 900 chỉ tiêu. Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì tuyển 1.500 chỉ tiêu, Đại học Đà Lạt tuyển 1.000 chỉ tiêu, Đại học Kinh doanh và Công nghệ thiếu 4.000 chỉ tiêu…
Điểm nhận hồ sơ xét tuyển của đa số các trường rất thấp, đa số chỉ bằng ngưởng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15 điểm với bậc đại học và 12 điểm với bậc cao đẳng.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội đỗ đại học, cao đẳng ở nguyện vọng bổ sung của các thí sinh đã trượt nguyện vọng một vẫn rất rộng mở.
Cơ hội đỗ còn rộng mở hơn nữa khi ở nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký cùng lúc 12 nguyện vọng vào 3 trường.
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh, khắc phục tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như mọi năm.
Trong đợt xét tuyển bổ sung, Bộ cũng quy định các trường phải liên tục cập nhật thông tin về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, khác với đợt một, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ xét tuyển từ trường này để đăng ký sang trường khác.
Bên cạnh việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các thí sinh còn có có hội trúng tuyển đại học theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm học tập bậc trung học phổ thông. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hơn 200 trường có phương án xét tuyển khác bên cạnh xét tuyển dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia. Trong đó, phương án được đa số trường lựa chọn là dựa vào điểm học bạ.
Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung. (Ảnh minh họa. Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Trường lo hồ sơ ảo
Thí sinh có rất nhiều lợi thế, nhưng các trường đại học lại lo hồ sơ ảo khi các em có rất nhiều nguyện vọng.
Là người có hàng chục năm làm công tác tuyển sinh, ông Lê Hữu Lập, trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, số hồ sơ ảo của đợt xét tuyển bổ sung rất lớn.
“Đợt một, thí sinh chỉ được đăng ký một trường nhưng đã xuất hiện tình trạng ảo. Đợt này, các em được đăng ký tới ba trường, hồ sơ ảo sẽ lớn hơn. Ảo không chỉ giữa các trường với nhau mà trong chính từng trường vì mỗi em được đăng ký bốn ngành,” ông Lập nói.
Ông Cao Quốc An, Trưởng phòng đào tạo Đại học Lâm nghiệp cho biết, đây cũng là vấn đề khiến nhà trường đau đầu. “Chúng tôi chỉ lo gọi 1.000 em mà chỉ lo vài trăm em đến,” ông An chia sẻ.
Để tránh tình trạng này, Đại học Kinh doan và Công nghệ đã quyết định cấp giấy chứng nhận trúng tuyển ngay khi thí sinh đến làm thủ tục nếu đủ điều kiện điểm xét tuyển theo yêu cầu của trường.
Thừa nhận sẽ có tình trạng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các năm trước cũng có tình trạng ảo khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Vì thế, các trường cũng có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh đến hết ngày 7/9./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]