Thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ảnh: Q.Anh
Bắt đầu từ hôm nay (26/8), thí sinh cả nước sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1. Rất nhiều trường đại học còn chỉ tiêu, tuy nhiên thí sinh cần thận trọng hơn trong việc chọn trường bởi lần này thí sinh sẽ không được rút hồ sơ.
Cân nhắc chọn trường
Để tránh “loạn” như trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1), trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 này, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép thí sinh sử dụng một giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký tối đa 4 ngành trong một trường. Đặc biệt, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ từ trường này để sang nộp trường khác. Thí sinh nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển tại trường THPT, Sở GD&ĐT, qua đường bưu điện hoặc tới nộp trực tiếp tại trường ĐH có thông báo xét tuyển.
Sau đợt xét tuyển NV1 nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước đã nhanh chóng công bố điểm chuẩn, gửi giấy báo trúng tuyển và bắt đầu đón tân sinh viên khoá mới. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 24/8, đã có 104 trường gửi báo cáo kết quả tuyển sinh về Bộ. Trong đó, tổng số chỉ tiêu mà 104 trường này tuyển được là 252.766 thí sinh, đạt gần 85% chỉ tiêu (xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia); 38 trường (chiếm 60,32%) đạt từ 80% chỉ tiêu trở lên, trong đó có 28 trường (chiếm 44,44%) tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt 1.
Như vậy, cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh trượt ở đợt xét tuyển NV1 là vẫn còn. Rất nhiều trường đại học chưa tuyển đủ và đang thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, chỉ tiêu không còn nhiều, nhất là ở các trường đại học “top trên”. Cơ hội vào đại học là vẫn còn, nhưng thí sinh cũng cần phải cẩn trọng nếu không muốn tiếp tục bị trượt ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Hơn nữa, việc không cho phép rút hồ sơ cũng là bất lợi khiến thí sinh càng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường nào.
Nhắc nhở thí sinh cần phải cẩn trọng trước các quyết định lựa chọn của mình, TS Trần Mạnh Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng) cho biết: “Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, việc xét tuyển theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên từ NV1 đến NV4. Trường hợp thí sinh trúng NV1 thì không thể xét tuyển ở các đợt tiếp theo được. Nếu đã trượt NV1, cũng không được nộp nguyện vọng bổ sung vào cùng ngành đó. Do đó, thí sinh thời điểm này hãy thật bình tĩnh, tự tin và đưa ra lựa chọn sáng suốt trong lựa chọn ngành nghề của mình. Điều quan trọng nhất, thí sinh nên căn cứ vào kết quả thi và ngành mà mình yêu thích để đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, nên đăng ký thêm các ngành khác nữa để nếu có rủi ro vẫn có thể được xét tuyển vào ngành khác”.
Đừng vì phải đỗ mà chọn sai nghề
Theo ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT): “Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể sử dụng đồng thời 3 giấy báo kết quả thi để nộp vào 3 trường khác nhau, mỗi giấy báo kết quả thi được đăng ký 4 nguyện vọng. Thí sinh mặc dù có thể đăng ký nhiều nguyện vọng hơn nhưng phải cân nhắc kỹ khi chọn trường, chọn ngành vì trong thời gian của mỗi đợt xét tuyển, các thí sinh không được rút hồ sơ. Thí sinh chỉ được rút hồ sơ sau khi kết thúc đợt xét tuyển và các em không trúng tuyển”.
Lưu ý các thí sinh cân nhắc cho các lựa chọn bởi năm nay điểm thi cao, lại được đăng kí tới 4 nguyện vọng vào một trường. TS Phạm Mạnh Hà (Phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các thí sinh, điểm thi cao hơn và điểm chuẩn các trường vì thế cũng tăng so với năm trước. Theo đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng cho các nguyện vọng của mình. Các em cần lưu ý, cân nhắc điểm thi của mình với việc chọn trường, chọn ngành phù hợp với khả năng, sở thích của mình.
“Nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển chỉ nghĩ tới chuyện trúng tuyển, chọn trường danh tiếng thì đây sẽ là lựa chọn sai về nghề nghiệp. Các em cần chọn ngành, nghề phải phù hợp với năng lực của bản thân, sở trường của bản thân. Năm nay, mỗi em được nhiều cơ hội để xét tuyển vào các ngành của một trường, nên nhớ chọn các ngành tương đồng, tránh chỉ vì mục đích đỗ mà chọn sai nghề cho mình. Căn cứ vào điểm số để chọn trường thích hợp để nộp hồ sơ. Nên xác định thứ tự ưu tiên ngành nghề từ 1 đến 4, sao cho các ngành đăng kí phải tương đồng nhau, tránh mắc sai lầm khi chọn nghề” - TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ thêm.
Có thể thấy, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay thí sinh thật sự có nhiều cơ hội lựa chọn khi nhiều trường ĐH có mức điểm xét tuyển khác nhau, trong đó nhiều trường chỉ lấy ngang bằng điểm sàn... Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn lớn đối với thí sinh khi việc cạnh tranh vào ĐH năm nay của thí sinh rất lớn, bởi vì năm nay có hơn 530.000 thí sinh đạt điểm từ 15 điểm trở lên, so với chỉ tiêu tuyển sinh đại học thì số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Như vậy, thí sinh phải tính toán, cân nhắc thận trọng để đảm bảo cho mình cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các trường ĐH, CĐ, các Sở GD&ĐT thực hiện một số nội dung về việc tuyển sinh ĐH, CĐ trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Theo đó, xét tuyển bổ sung sẽ được bắt đầu từ ngày 26/8 đến ngày 7/9; Công bố kết quả trúng tuyển trước 10/9. Với 3 giấy chứng nhận kết quả thi sử dụng cho đợt xét tuyển bổ sung với 3 mã vạch khác nhau, thí sinh có thể đăng ký tối đa tối đa 3 trường, mỗi trường đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành), các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng ký xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]