Tình trạng yếu kém trong học toán của học sinh hiện nay rất phổ biến vậy theo thầy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
Theo tôi, học sinh yếu kém về toán là những học sinh có kết quả về môn toán thường xuyên dưới mức trung bình và nó xuất phát có thể từ nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Chẳng hạn, có em điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư về vật chất cho học tập chưa cao, ngoài giờ đến lớp các em còn phải giúp đỡ bố mẹ các công việc gia đình, không có thời gian để tự học, sự quan tâm kèm cặp con cái của phụ huynh còn hạn chế. Nguyên nhân thứ hai là do ý thức học tập của một số em chưa cao, phương pháp học tập chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng chán học, lười học. Do đó việc giúp đỡ lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng cần thiết đối với những học sinh này tất yếu đòi hỏi tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với những học sinh khác.
Thầy có thể nêu một vài biện pháp hữu hiệu nhằm giúp học sinh học toán tốt hơn không?
Yêu cầu của công tác giảng dạy đó là trang bị cho học sinh kiến thức và xây dựng, hoàn thiện các phẩm chất đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh hay khả năng tiếp thu nhanh hay chậm của mỗi học sinh khác nhau sau một thời gian tạo ra các đối tượng học sinh là: khá-giỏi, trung bình, yếu kém. Mỗi đối tượng học sinh lại cần những phương pháp giáo dục riêng đòi hỏi người giáo viên phải xây dựng cho mình cách thức giáo dục thích hợp. Đối với những bạn yếu kém thì trước tiên ta phải thực hiện biện pháp lấp "lỗ hổng" về kiến thức và kỹ năng cho học sinh.
Qua việc giảng dạy một số học sinh cho thấy: Kiến thức có nhiều "lỗ hổng" là một "bệnh " phổ biến của học sinh yếu kém toán. Vai trò của việc đảm bảo trình độ xuất phát là cần thiết nhưng chỉ để phục vụ cho nội dung sắp học. Còn việc lấp lỗ hổng về kiến thức kỹ năng là nhiệm vụ cần thiết nhưng mang tính tổng quát không phụ thuộc ý đồ chuẩn bị cho một bài học cụ thể nào sắp tới.
Trong quá trình dạy học người thầy cần quan tâm phát hiện những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng của học sinh. Tìm ra những "lỗ hổng" điển hình đối với học sinh yếu kém mà ở trên lớp vì điều kiện thời gian chưa khắc phục được để có kế hoạch tiếp tục giúp đỡ.
Chẳng hạn như trường hợp em Nguyễn Đức Mạnh trường Lômônôxốp hoàn toàn bị mất gốc nhưng sau 3 năm học cấp III được tôi hướng dẫn em đã đạt thành tích tốt, thi đỗ Học viện An Ninh.
Hay như em Phạm Quang Minh cũng là trường hợp tương tự và kết quả cuối cùng em đã đạt được ước mơ của mình là thi đỗ vào trường Đại học Ngoại Thương. Nói chung mình phải nắm vững năng lực tiếp thu kiến thức của học sinh yếu kém, để từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục. Việc học trong sách giáo khoa thường chỉ trình bày chung, hạn chế các bước thực hiện nên học sinh trung bình hay yếu kém không thể tự học theo sách được.
Vì vậy khi dạy học sinh yếu kém, tôi phải nghiên cứu soạn kỹ lại từng bước thực hiện của từng dạng Toán cơ bản trong chương trình, giúp học sinh tiếp cận được từng dạng Toán và từng bước giải để các em có thể vận dụng dễ dàng hơn trong hoạt động giải Toán.
Tiếp theo là Rèn luyện kĩ năng học tập. Có thể nói rằng yếu về kĩ năng học tập là nguyên nhân của tình trạng học yếu kém Toán. Vì vậy, một trong những biện pháp các gia sư áp dụng để khắc phục tình trạng của học sinh yếu kém là giúp đỡ các em về phương pháp học tập. Chẳng hạn như tôi đang áp dụng một phương pháp khá mới và tôi nghĩ là rất thu hút đối với các em học sinh, phương pháp học WebQuest. Đây là một phương pháp dạy học, trong đó học sinh tự lực thực hiện trong nhóm một nhiệm vụ về một chủ đề phức hợp, gắn với tình huống thực tiễn. Những thông tin cơ bản về chủ đề được truy cập từ những trang liên kết (Internet links) do giáo viên chọn lọc từ trước. Điều quan trọng nguồn tin đối với từng nội dung công việc đều được giáo viên kiểm tra về chất lượng để đảm bảo tài liệu đó là đáng tin cậy. Ngoài các trang website, các nguồn thông tin tiếp theo có thể là các thông tin chuyên môn được cung cấp qua Email, CD hoặc các ngân hàng dữ liệu kỹ thuật số (ví dụ các từ điển trực tuyến trong dạy học ngoại ngữ). Việc học tập theo định hướng nghiên cứu và khám phá, kết quả học tập được học sinh trình bày và đánh giá. Có thể nói học với WebQuest sẽ giảm bớt khó khăn, vất vả cho chính các em học sinh.
Nhờ học theo phương pháp này mà em Đỗ Minh Anh, lớp 9 trường Đoàn Thị Điểm đã thi đỗ được vào hai trường cấp III nổi tiếng Hà Nội là trường Amsterdam và trường Chuyên Đại học Sư Phạm. Minh Anh đã chọn chuyên Toán Amsterdam để theo học với mong muốn sau này sẽ thành giáo viên Toán giỏi như thầy.
Ngoài việc hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng học tập môn toán, tôi nghĩ các giáo viên dạy Toán cần bồi dưỡng cho các em những hiểu biết sơ đẳng về cách thức học toán như:
Nắm được lý thuyết mới làm bài tập
Đọc kĩ đầu bài
Vẽ hình sáng sủa
Viết nháp rõ ràng
Ngoài ra, một thói quen xấu học sinh học Toán thường mắc phải chính là học tràn lan, học mọi thứ mà không tập trung vào những điểm quan trọng nhất. Cho nên khi đi thi hay làm bài tập có nhiều đề Toán rất hay gặp những vẫn trở thành vấn đề nan giải cho nhiều học sinh. Vì thế, một yếu tố quan trọng cần phải nhớ khi học môn Toán là bám sát sách giáo khoa, sách bài tập và làm nhiều dạng toán thường xuất hiện trong các kì thi trước đó.
Đừng bao giờ lao đầu vào những đề toán mà sau này bạn chẳng bao giờ đụng đến bởi nó vừa làm mất nhiều thời gian của bạn vừa khiến nhanh nản chí, mất đi niềm hứng thú với môn Toán học.
Việc giúp học sinh tự tin, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập bằng lời động viên đúng lúc cũng là rất cần thiết.
Thông thường khi làm một dạng bài tập nào đó, tôi thường cho từng em nêu cách làm, kết quả làm bài của mình, nếu đúng thì có lời khen để động viên, nếu sai đặt câu hỏi dẫn dắt để học sinh tự nhận thấy cái sai của mình, tại sao mình sai, mình có thể làm đúng được hay không, làm bằng cách nào… Từ đó cho các em tự sửa chữa để được bài làm đúng.
Trên đây là một số giải pháp khắc phục tình trạng học sinh kém môn toán mà tôi đúc rút được trong môi trường dạy học của mình. Mục đích của tôi là làm như thế nào giúp cho khả năng dạy học của mình nâng cao hơn, giảm thiểu học sinh chán học mà bỏ học.
Có thể nói, đối với một người giáo viên, năng lực sư phạm không chỉ đơn thuần là giỏi về giảng dạy, tổ chức lớp học có kỹ cương nề nếp mà còn phải làm sao xây dựng được tình cảm gắn bó giữa thầy và trò. Khi đã tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, với trách nhiệm lương tâm thì mọi giáo viên đều có thể tìm ra con đường giáo dục học sinh yếu Toán. Đúng như MAKARENCÔ - nhà giáo dục Nga đã khẳng định “không sợ học sinh hỏng mà chỉ sợ phương pháp giảng hỏng”, không có học sinh nào muốn mình yếu, em nào cũng muốn mình là học sinh ngoan học giỏi và được bố mẹ thầy cô khen ngợi. Bác Hồ của chúng ta nói: “bản chất con người là tốt đẹp”. Là giáo viên chúng ta hãy đến với học sinh bằng cả tấm lòng, trái tim người thầy chắc chắn sẽ thành công.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]