Sau 16 năm công tác, thầy Đoàn Hùng Cường, giáo viên một trường miền núi ở Quảng Ninh quyết định gửi đơn nghỉ việc.
Điều này đồng nghĩa với việc thầy xin ra khỏi biên chế - niềm mơ ước và mục tiêu nỗ lực của không ít người chọn nghề sư phạm.
Xin ra khỏi ngành vì nhiều bất cập
Chia sẻ với PV thầy Cường thừa nhận việc rời ngành sau 16 năm là quyết định không dễ dàng. Bản thân thầy còn nhiều tiếc nuối. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thầy không còn lựa chọn khác. Nam giáo viên nói còn phải lo cho gia đình.
Trước khi xin nghỉ, thầy Hùng Cường dạy môn Ngữ văn tại trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, trong khi gia đình lại ở Uông Bí.
Lá đơn xin nghỉ việc của thầy Đoàn Hùng Cường. |
“Cha mẹ tôi đã già yếu, con cái thơ dại đang cần người chăm sóc. Bản thân tôi ở Bình Liêu cũng phải sống trong cảnh nhà trọ ọp ẹp, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn khiến cho sức khỏe tôi ngày càng suy sụp”, thầy Cường viết trong đơn xin ra khỏi biên chế ngành.
Trên thực tế, nam giáo viên bảo xin nghỉ hoàn toàn không phải vì lương thấp (thu nhập hiện tại là 10,1 triệu đồng). Thầy rời ngành một phần vì nhận thấy môi trường giáo dục hiện tại có nhiều chuyện nhiễu nhương, không còn trong sạch. Ngoài ra, giáo dục cũng thay đổi nhiều.
Theo thầy giáo này, 16 năm trong ngành, ông chứng kiến nhiều bất cập và đã cố gắng cải thiện nhưng lực bất tòng tâm.
Năm 2001, thầy Đoàn Hùng Cường chính thức được nhận vào trường THCS Thị trấn Bình Liêu sau một năm tốt nghiệp đại học. Đến năm 2004, thầy được cử làm chuyên viên phòng GD&ĐT, trở thành một trong những cán bộ trẻ nhất phòng. 5 năm sau, thầy Cường xin trở lại bục giảng.
Ông tâm sự thực tế, ý tưởng xin nghỉ việc hình thành từ năm 2010 khi nam giáo viên trúng tuyển hệ thạc sĩ ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng không được chấp nhận cho đi học với lý do huyện Bình Liêu chưa cần đến trình độ thạc sĩ.
Sau đó, tình hình chuyển biến nên thầy được phép nghỉ việc không lương, nhận trợ cấp hơn một triệu đồng/tháng để đi học.
Căn phòng trọ của giáo viên 16 năm dạy học. |
Năm 2013, thầy Cường nhận công tác tại trường THCS Tình Húc (đã có bằng thạc sĩ). Đến năm 2016, nam giáo viên được thuyên chuyển đến trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu.
Thầy chia sẻ thêm quyết định này nhận được sự ủng hộ từ vợ nhưng lại khiến bố mẹ thất vọng. Thầy là người duy nhất trong gia đình có học vấn cao, vào được biên chế.
“Nhưng nếu tiếp tục nữa, chắc tôi trầm cảm mất. Tôi không thể cố gắng nữa. Cuộc sống lại còn nhiều chuyện phải lo toan”, thầy Hùng Cường tâm sự.
'Ở lại ngành là tham ô'
16 năm tuổi trẻ, thầy Cường gắn bó với giáo dục và miền núi. Trong quãng thời gian ấy, thầy giáo Ngữ văn luôn cố gắng hết sức cho sự nghiệp mình đã chọn.
Ông bảo ngoài công tác giảng dạy chuyên môn, còn thường xuyên vận động quyên góp để hỗ trợ cho giáo dục tại Bình Liêu, đồng thời không quản ngại khó khăn, đến nhà vận động học sinh đi học.
Thầy Cường cho biết ngoài giảng dạy, ông còn cố gắng vận động quyên góp, hỗ trợ người dân Bình Liêu. |
Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của thầy, lần đầu tiên trường Bình Liêu có học sinh đoạt giải nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh. Đây được coi là “hiện tượng” của ngành vì việc học sinh người Tày giành giải cao môn Văn không dễ.
Khi quyết định xin nghỉ, bản thân thầy và học trò đều tiếc nuối nhưng nam giáo viên này nói nếu tiếp tục, thầy cũng không thể làm tốt hơn xưa nên muốn chủ động dừng lại trước khi mình làm không tốt.
Thầy Cường cũng mong các bạn trẻ hiểu rằng biên chế không phải là “tấm thẻ bài thần thánh”, vạn năng. Đại học không phải con đường duy nhất để thành công, giáo dục cần đến sự đổi mới trong dạy học và quản lý.
Vị giáo viên hy vọng mình có thể làm gương, chủ động rời ngành khi không còn làm việc hiệu quả. Đương nhiên, bản thân thầy vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm nhà giáo, song không hiệu quả khi so với chính năng lực của bản thân.
“Tiền lương chúng tôi nhận lấy từ tiền thuế dân đóng. Nếu một công chức tự cảm thấy mình không nỗ lực được như khả năng vốn có mà vẫn ngồi ở vị trí đó tức là một dạng tham ô công quỹ”, thầy nêu quan điểm.
Thầy Đoàn Hùng Cường chia sẻ sau khi chính thức rời ngành vào ngày 1/9, thầy bắt tay vào thực hiện giấc mơ trở thành biên kịch, đạo diễn, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
Hiện tại, thầy tham gia một dự án truyền thông nhằm quảng bá cho Quảng Ninh. Công việc chắc chắn nhiều áp lực song cựu nhà giáo tin tưởng mình sẽ thực hiện được và có thể lo cho gia đình bằng chính sức sáng tạo của mình.
“17 năm trước, tôi háo hức cầm hồ sơ đi xin việc. Tại thời điểm nhận quyết định thôi việc, tôi cũng háo hức như thế”, thầy Cường nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]