Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh Nguyễn Quỳnh
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng chưa cao
Theo thống kê, tính đến 31/12/2014, Thanh Hóa có tổng 61 trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) chuyên nghiệp, CĐ nghề, TC nghề, TTDN và trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề (gồm cả công lập và tư thục).
Ngoài ra, có 41 cơ sở có tham gia hoạt động dạy nghề gồm các trường Đại học, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Năm 2014, tuyển sinh được 70.349 người.
Trong đó, 2.173 trường cao đẳng, trung cấp là 9.671, sơ cấp là 65.730 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp CĐ, TC có việc làm ngay sau khi ra trường đạt 40%. Số sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề, TC nghề có việc làm ngay hơn 75%.
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả dạy nghề vẫn còn nhiều hạn chế như: Các cơ sở dạy nghề chưa ban hành được chuẩn đầu ra trong dạy nghề, chưa tích cực thực hiện tự kiểm định và đăng ký kiểm định chất lượng dạy nghề.
Vì vậy, chất lượng, hiệu quả dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và hội nhập quốc tế.
Hiệu quả công tác dạy nghề còn hạn chế thể hiện ở việc đầu tư của nhà nước rất lớn nhưng người học nghề ít. Việc đầu tư vẫn còn mạng tính chất dàn trải, phong trào, chưa tạo ra được những mô hình hay điển hình tốt cũng như những đột phá về chất lượng dạy nghề.
Không ít cơ sở dạy nghề khang trang hiện đại nhưng trang thiết bị, đội ngũ giáo viên không đồng bộ nên rất lãng phí. Có thể nói đầu tư cơ sở vật chất trong lĩnh vực dạy nghề lãng phí, trang thiết bị mua về không khai thác sử dụng có hiệu quả.
Vì thế, mỗi năm nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng dạy nghề thấp. Theo báo cáo, tổng giá trị xây dựng cơ bản, thiết bị dạy nghề từ nguồn vốn nhà nước và xã hội hóa là 966.310 triệu đồng, trong đó giá trị thiết bị đào tạo là 291.826 triệu đồng, chiếm 30,2%.
Nguyên nhân
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng thì nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đội ngũ giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp; sự hợp tác giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh. Hệ thống dạy nghề không có vai trò nhiều trong giáo dục hướng nghiệp góp phần phân luồng học sinh sau THCS.
Hiện tượng học sinh bỏ học ở cấp THCS và không tiếp tục vào học trong các trường nghề sau tốt nghiệp THCS là một vấn đề lớn hiện nay.
Việc dạy chữ và dạy nghề đang tách rời trên địa bàn cấp huyện vừa gây khó khăn cho người dân tiếp cận đến giáo dục và vừa lãng phí nguồn lực dàn trải ở cấp huyện.
Mặt khác, hoạt động hướng ngiệp của các trường từ THCS đến THPT đều tập trung vào các trường ĐH, CĐ chính quy, hạn chế trong việc định hướng học nghề, lựa chọn học nghề là lựa chọn cuối cùng khi không thể vào đâu học được.
Thanh Hóa là tỉnh có dân số lớn, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đi vào hoạt động tuy nhiên do suy thoái, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, sinh viên ra trường không có việc làm.
Những ngành thế mạnh của Thanh Hóa như lọc hóa dầu, sản xuất thép, quản lý và vận hành các nhà máy nhiệt điện, thủy điện… lại chưa được các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn quan tâm; cũng chưa có sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, nội dung giảng dạy còn nặng lý thuyết chưa sát thực tế, chưa chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm… Ngoài ra, việc định hướng lựa chọn ngành nghề đặc trưng của các cơ sở cũng yếu kém, dẫn đến tình trạng đào tạo nghề chồng chéo, chất lượng đào tạo chưa được quan tâm thỏa đáng.
Người học ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp với chính nghề được đào tạo ra.
Giải pháp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục dạy nghề
Từ những thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Tập trung đầu tư một số trường trọng điểm, trường chất lượng cao, các ngành đào tạo mới mà nền kinh tế-xã hội của tỉnh đang có nhu cầu.
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Hóa đã đưa ra mục tiêu, giai đoạn 2016-2020, sẽ đào tạo mới khoảng 325 nghìn người, trong đó, 75 nghìn người được đào tạo trình độ CĐ, TC; 25 nghìn người đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo theo các chương trình giáo dục nghề nghiệp khác cho người lao động.
Theo đó, năm 2020, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có 19 trường CĐ, 16 trường TC, 23 TTGD dạy nghề. Trong đó, hình thành 2 trường chất lượng cao và dự kiến sẽ có 26% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Giai đoạn 2021 - 2030, đào tạo mới khoảng 450 nghìn người, trong đó 202 nghìn người được đào tạo trình độ CĐ, TC; 248 nghìn người đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo theo các chương trình giáo dục nghề nghiệp khác cho người lao động.
Mạng lưới có sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch theo hướng tái cấu trúc mạnh mẽ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung hình thành các trường CĐ đào tạo đa cấp trình độ.
Cùng với sự phát triển về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên. Tổng nhu cầu giáo viên đến 2020 với quy mô tuyển sinh toàn tỉnh là 76.710 HSSV, thì nhu cầu giáo viên là 3.835 người. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.567 giáo viên, như vậy sẽ còn thiếu 1.268 giáo viên.
Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển cơ sở vật chất của nhà trường, sắp xếp lại các ngành nghề đào tạo để tránh chồng chéo nhau giữa các cơ sở công lập; xây dựng các chính sách để phát triển và nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
Với các giải pháp về phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, mở rộng nguồn tài chính cho các cơ sở GDNN; tăng cường cơ sở vật chất, gắn kết cơ sở GDNN với doang nghiệp…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]