Trong buổi giao lưu tại ĐH Vinh ngày 14/12, GS Ngô Bảo Châu nhận xét học sinh Việt Nam có kiến thức phổ thông tốt nhưng lại đuối dần vào năm thứ hai đại học và càng kém ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Học sinh Việt Nam có tiềm năng nhưng dễ thui chột.
Quan sát của GS Ngô Bảo Châu thực ra chỉ xới lại một hiện tượng của giáo dục Việt Nam mà không ít người đã chỉ ra trước đó.
Càng lên cao càng đuối
Khả năng của học sinh phổ thông không chỉ là tự công nhận với nhau, mà đã có những minh chứng quốc tế.
Lần đầu tiên tham gia chương trình khảo sát PISA năm 2012, các học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt được hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 17 về đọc hiểu trong số 65 nước hay vùng lãnh thổ tham gia, đặt Việt Nam ở mức cao hơn chuẩn mực trung bình của toàn khối OCDE.
Kết quả PISA của Việt Nam đặc biệt ấn tượng nếu dựa trên khía cạnh bất lợi xã hội đối với học sinh. Theo chuyên gia Andreas Schleicher, điều phối viên PISA, “gần 17% số học sinh 15 tuổi thuộc dạng nghèo nhất Việt Nam nằm trong số 25% học sinh hàng đầu của 65 quốc gia hay lãnh thổ tham gia thi PISA”...
Nhìn chung, năng lực của học sinh Việt Nam ngang ngửa các bạn cùng tuổi ở Hàn Quốc, dù điều kiện xã hội khác biệt.
Theo khảo sát của đề án Young Lives của cơ quan Oxfam, trong số 20 trẻ em 10 tuổi tại Việt Nam, khoảng 19 em có thể làm phép cộng 4 chữ số, trong khi 85% có thể trừ phân số. Nếu so sánh với Ấn Độ, nước có thu nhập bình quân đầu người tương tự, có đến 47% học sinh lớp 5 không làm được toán trừ với 2 chữ số!
Còn đối với những học sinh ưu tú nhất, hàng năm, trong các kỳ thi Olympic quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực Toán học, Vật lý, học sinh Việt Nam đều đứng thứ hạng cao.
Năm 2015, Việt Nam cử 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Toán học, Tin học với 28 học sinh tham gia 37 lượt thi, tất cả các em đều đoạt giải. Đặc biệt, đây là năm có tỷ lệ học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế cao nhất từ trước đến nay.
“Học là một quá trình gây mê không hồi sức”
Điều gì khiến cho sức học của người Việt Nam càng lên cao càng đuối: Thời phổ thông học rất giỏi, nhưng thường không thể duy trì thành tích đó khi đặt chân vào giảng đường đại học?
Với câu hỏi này, thạc sĩ Trịnh Văn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM trong một bài viết của mình đã cho rằng: “Cách dạy, cách học, cách thi hiện nay rất khó phát huy khả năng sáng tạo cho người học. Thời học sinh còn nhỏ - giai đoạn não phát triển rất mạnh - lẽ ra nó phải tự do bay bổng, tư duy sáng tạo thì lại nhường chỗ cho học thuộc bài vì lối dạy đọc chép của thầy cô, từ đó tạo đường mòn cho học sinh tiếp thu theo kiểu ghi âm tri thức”.
Học sinh Việt Nam phải vất vả trải qua kỳ thi căng thẳng để vào đại học, nhưng chất lượng đào tạo của bậc học này lại không được đánh giá cao. Ảnh: VietNamNet.
Ông Trịnh Văn Anh kể lại câu chuyện, “một số sinh viên truyền miệng nhau rằng: “Học là một quá trình gây mê không hồi sức?”. Khi được hỏi tại sao lại có khái niệm kỳ quặc thế, câu trả lời là “Suốt thời sinh viên, chúng tôi được thầy đọc cho chép, vào lớp thầy ru cho ngủ mệt muốn chết, lên cao học tưởng khác, ai ngờ cũng gặp toàn sư phụ năm xưa của mình, họ chuyển từ “đọc chép” sang “chiếu chép”.
“Câu nói có hơi quá, song phản ánh phần nào thực trạng và học thi hiện nay. Học với mục đích chỉ để đối phó với thi cử, học máy móc góp phần thui chột sự sáng tạo tự nhiên của sinh viên” – ông Văn Anh kết luận.
PGS Văn Như Cương thì nhận xét càng học cao, học sinh càng bị tách rời khỏi cuộc sống, trong khi đó, giáo dục đại học không tạo ra những người làm được việc.
Trong báo cáo “Nâng cao tay nghề cho Việt Nam: Chuẩn bị nguồn lực cho một nền kinh tế thị trường thời hiện đại”, Ngân hàng Thế giới cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các kỹ năng tư duy phê phán trong nhóm và kỹ năng giao tiếp của sinh viên đã tốt nghiệp.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, môi trường học tập của Việt Nam quá thiếu những kỹ năng này vì lớp học chỉ thường tập trung vào việc đơn thuần tiếp thu kiến thức và “học gạo”.
GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nhận định: “Học càng lên cao càng đòi hỏi tư duy tổng hợp mà tư duy này ở Việt Nam không được rèn luyện nhiều lắm. Đây là cái khó khăn của ta hiện nay, thiếu cái này thì khó đi xa được”.
Để "hạt mầm" không thui chột: Mấu chốt ở giáo dục đại học
Cần phải đổi mới ở tất cả các bậc học là ý kiến chung của các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục. Ông Trịnh Văn Anh cho rằng, “có nhiều yếu tố bất cập kìm hãm sự sáng tạo trong học tập của học sinh, sinh viên khiến họ đuối sức khi học lên cao".
PGS Lê Trọng Thắng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Mỏ - Địa chất cũng cho rằng, phải thay đổi cách đào tạo và giáo dục ở tất cả các bậc học.
Trở lại buổi giao lưu tại ĐH Vinh, GS Ngô Bảo Châu giải thích thêm về hiện tượng "tiềm năng của học sinh Việt Nam bị thui chột" như sau: Năng lực của sinh viên bắt đầu đuối từ năm thứ hai bậc ĐH; lên đến thạc sĩ, tiến sĩ thì khoảng cách so với quốc tế "không thể nào san lấp".
"Việt Nam có tiềm năng về con người nhưng không xây dựng được nền tảng tri thức, hệ thống trường đại học 'sánh vai cùng các cường quốc năm châu' như lời Bác Hồ căn dặn".
Trong dịp về nước đầu năm 2015, khi trao đổi với một số phóng viên, GS Ngô Bảo Châu nói, "trong năm qua, điều hơi tiếc là trọng tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả động gì. Rõ ràng, đây là mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội".
"Khách quan mà nói, giáo dục đại học hiện có vô cùng nhiều vấn đề. Chuyện bỏ quên giáo dục đại học, tập trung vào giáo dục phổ thông là điểm cần xem lại" - những quan sát được đặt ra từ đầu năm 2015 đến nay vẫn còn giá trị thời sự.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]