Liên quan việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học, ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng, hiện nay, điểm tuyển đầu vào ĐH Y thuộc tốp cao, nhiều thí sinh đạt 27 điểm vẫn chưa đậu.
Vậy các trường cũng đào tạo bác sĩ nhưng điểm bình dân hơn, ví dụ 20 điểm là đậu, thì khi ra trường rất có thể anh bác sĩ 29 điểm đầu vào không xin được chỗ làm việc tốt bằng người 20 điểm. Như vậy có thể gây xáo trộn rất lớn về chất lượng bác sĩ.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được cho phép mở hai ngành Y và Dược. Ảnh: Trang web của trường.
Mở ngành dễ dãi, hậu quả lâu dài
GS Lương Xuân Hiến - Hiệu trưởng ĐH Y dược Thái Bình nói: Tôi không đồng ý việc Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học, nhất là khi chính Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn dừng mở các ngành đặc thù này ở trường ĐH đa ngành cách đây chưa đầy một năm.
Dựa trên giấy tờ thì trường thống kê đủ số lượng giảng viên, trang thiết bị theo yêu cầu, nhưng với đặc thù đào tạo ngành Y, liên quan sức khỏe con người phải hết sức thận trọng.
Việc cho phép đào tạo ngành Y một cách dễ dãi sẽ để lại hậu quả lâu dài, khi cứ học xong, bất luận chất lượng đào tạo ra sao, sinh viên tốt nghiệp cũng thành cán bộ y tế, thực hành việc khám, điều trị cho người bệnh.
Phải đảm bảo chặt chẽ đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu gắn bó với trường, chứ không phải chỉ “đánh trống, ghi tên”. Và hơn hết, đó phải là những người có kinh nghiệm, có khả năng đào tạo “cầm tay chỉ việc” cụ thể cho sinh viên.
Mức điểm chuẩn ngành Y đa khoa của các trường chuyên ngành Y- Dược thường ở 25-26 điểm trở lên, nay một trường mới mở lại đặt điều kiện nhận hồ sơ từ 20 điểm thì rõ ràng có sự chênh lệch chất lượng đầu vào, ảnh hưởng chất lượng đào tạo sau này.
Hai bộ chưa từng "hậu kiểm"
Đánh giá về mặt bằng chất lượng giữa trường không thuộc khối chuyên ngành Y - Dược và các trường chuyên ngành, nhất là khi điểm đầu vào các trường Y - Dược có truyền thống thường từ 25 điểm trở lên (riêng ĐH Y Hà Nội nhiều năm điểm tuyển đầu vào 27 điểm trở lên), Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường thừa nhận có sự chênh lệch.
Theo ông Cường, Bộ Y tế đã có các khuyến cáo về tiêu chí mở mã ngành đào tạo Y - Dược và Bộ GD&ĐT nên luật hóa khuyến cáo này. Đây là các tiêu chí cơ bản nhất với việc mở ngành đào tạo Y - Dược.
Từ tháng 12/2015, khi hội nhập ASEAN, ông Cường cho rằng, nên nâng các tiêu chí lên để các nước trong khu vực công nhận bằng bác sĩ của Việt Nam (hiện họ chưa công nhận).
Ông Cường cũng cho biết sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức đoàn hậu kiểm tại các trường đào tạo Y - Dược, xem việc đáp ứng các tiêu chí đến đâu, có sai sót hay không và nếu không khắc phục được nên thu hồi quyết định cho phép trường đào tạo ngành học đặc thù này.
Mặc dù đã có đến 10 trường đào tạo Y - Dược mới, trong đó có những trường ở vùng sâu, vùng xa, việc đáp ứng tiêu chí mở mã ngành chưa rõ ràng, nhưng hai ngành y tế, giáo dục cũng chưa từng đi hậu kiểm sau khi cho phép thì trường dạy học như thế nào.
Rõ ràng là cứ cho trường đào tạo, còn bác sĩ ra trường có chữa bệnh được hay không lại là... chuyện khác.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]