Theo đó, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện phương án đổi mới thi, trên cơ sở những đổi mới đã thực hiện và rút kinh nghiệm qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Để thực hiện một kỳ thi quốc gia, công việc trước mắt là phải xây dựng định hướng cho việc tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá ngay trong năm học 2014-2015 và các năm tiếp theo.
Các trường phổ thông phải làm quen, đẩy mạnh hướng dạy học theo liên môn, ứng dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong thực tế đời sống, việc ra đề, chấm thi theo câu hỏi mở, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, suy nghĩ của cá nhân người học...
Trao đổi tại cuộc họp báo diễn ra chiều 18/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cuc Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục nhấn mạnh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay với nhiều điểm đổi mới là bước đầu nằm trong lộ trình đổi mới hướng tới một kỳ thi quốc gia.
Để thực hiện kỳ thi này sẽ phải có cải tiến về hình thức thi, lực lượng tham gia kỳ thi và các thao tác kĩ thuật khác. Phương án đổi mới kỳ thi sẽ được công bố công khai, trưng cầu ý kiến rộng rãi của xã hội trước khi quyết định chính thức.
“Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ duy trì kỳ thi như hiện nay cho tới hết năm 2016. Trong thời gian đó sẽ gấp rút chuẩn bị cho phương án một kỳ thi chung”, ông Trinh cho biết.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết thêm sẽ có rất nhiều khâu phải chuẩn bị, trong đó có việc cân nhắc xem đơn vị nào coi thi, chấm thi, ra đề. Nội dung đề thi sẽ phải tiếp tục đổi mới có tính phân hóa cao hơn, đánh giá tốt hơn năng lực của học sinh. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng so với năm 2007, tình trạng tiêu cực thi cử của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm rõ rệt, chứng tỏ việc chống tiêu cực luôn được quan tâm và sẽ tăng cường trong các kỳ thi tới.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]