Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc đánh giá này sẽ theo nguyên tắc đánh giá toàn diện học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, biểu hiện phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Cụ thể là các năng lực: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; các phẩm chất: chăm học chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè, con người, yêu trường lớp, quê hương, đất nước.
Ông Phạm Ngọc Định. Ảnh: Hạ Anh.
Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi nhận xét vào sổ nhật ký sẽ đánh giá về những nội dung đã làm được hoặc chưa làm được của học sinh, những biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt khó; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất...
Còn việc đánh giá định kỳ sẽ diễn ra vào cuối học kỳ một và cuối năm học, với các bài kiểm tra lấy điểm số.
Có một nét mới nữa là ngoài việc đánh giá của giáo viên, các học sinh và phụ huynh cũng sẽ tham gia đánh giá. Học sinh sẽ tự đánh giá bản thân, nhận xét, góp ý với bạn, nhóm bạn rồi báo cáo kết quả với giáo viên. Phụ huynh được tham gia quan sát học sinh học tập, thậm chí hỗ trợ giáo viên công việc của họ.
- Thưa ông, với cách đánh giá này thì một học sinh như thế nào sẽ đủ tiêu chuẩn lên lớp?
- Học sinh được coi là hoàn thành chương trình lớp học nếu đạt các tiêu chuẩn sau: Hoàn thành tất cả các môn học, hoạt động giáo dục; đạt 5 điểm trở lên ở bài kiểm tra cuối năm; Đạt mức độ hình thành và phát triển một số năng lực; phẩm chất.
- Vậy những em không đạt một trong các tiêu chuẩn trên thì có phải lưu ban?
- Tùy theo mức độ, giáo viên sẽ lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để đưa lên hoặc ở lại; đưa vào nội dung cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục cho năm tiếp theo.
Theo cách thay đổi này, lao động của giáo viên sẽ rất lớn, không chỉ chấm điểm mà còn phải nói chuyện, viết nhận xét với từng học sinh, phụ huynh trong suốt năm học. Với hiện tượng lớp học nhiều học sinh, thu nhập chính của giáo viên chưa thay đổi, có gây ra sự quá tải hoặc cách làm hình thức?
Hiện nay, ngoài một số thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM có hiện tượng lớp học đông sĩ số 50-60 mà chúng tôi đã có hướng dẫn giải quyết, thì ở hầu hết các tỉnh thành đều đảm bảo sĩ số lớp học, không quá 38 em/lớp.
Với cách đánh giá này, chúng ta tiến tới sự thay đổi: nhìn nhận mỗi em là một cá thể riêng biệt; giáo viên phải làm việc riêng với từng cá tính, chứ không chấp nhận những "cá tính đồng loạt" trong một tập thể.
Một trong những nguyên tắc mà chúng tôi đặt ra là không so sánh học sinh này với học sinh khá, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Khi tiến hành đánh giá, giáo viên quan tâm tới tiến độ hoàn thành việc học, chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành của mỗi em.
Tất nhiên, công việc này ban đầu sẽ chưa quen nhưng một trong những mục đích là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học.
Theo hướng dẫn tạm thời về việc không chấm điểm học sinh lớp 1 năm 2013, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lưu ý giáo viên không dùng điểm số để đánh giá năng lực nhận thức và kết quả học tập hàng ngày của học sinh dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả cho điểm thưởng). Ảnh: Văn Chung.
- Hiện nay, nhiều trường THCS tuyển sinh thường yêu cầu kết quả học tập 5 năm ở bậc tiểu học của học sinh là loại giỏi. Với cách đánh giá như thế này thì giải quyết vấn đề tiếp tục lên các lớp THCS của các em ra sao?
- Chúng ta cần đặt vấn đề: Thay đổi là vì mục tiêu đúng đắn của giáo dục tiểu học, hay giáo dục tiểu học phải thay đổi mục tiêu vì nhu cầu khác? Với vấn đề tuyển sinh đầu cấp, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Bộ GD-ĐT phụ trách giáo dục phổ thông có thay đổi xuyên suốt. - Thay đổi như thế này, sắp tới học bạ của học sinh cũng sẽ thay đổi? - Chúng tôi đang tính phương án. Theo cách đánh giá này, hồ sơ đánh giá từng năm học của mỗi học sinh sẽ có: sổ tổng hợp đánh giá học sinh, những trang nhật ký đánh giá của giáo viên ghi những lưu ý đặc biệt, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ, cuối năm học, các loại giấy khen, chứng nhận, phiếu hoặc sổ liên lạc gia đình.
- Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã thí điểm cách đánh giá này ở bậc học lớp 1. Ông có thể cho biết kết quả thí điểm đến nay ra sao? Với kết quả đó, năm nay áp dụng luôn vào đại trà thì có vội vã không?
- Theo báo cáo của các tỉnh, thành thì không thấy có phản đối về cách làm này. Việc đổi mới đánh giá cũng nhằm thực hiện nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục. Mình phải thay đổi trước ở cách đánh giá thì mới tạo cú hích cho những thay đổi khác.
- Thưa ông, dự kiến khi nào sẽ áp dụng cách đánh giá này?
- Nếu không có gì thay đổi thì thông tư hướng dẫn sẽ đưa vào đầu năm học mới để kịp triển khai.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]