Lịch nghỉ Tết năm nay dài, nhiều phụ huynh mong muốn cô giáo giao bài tập về nhà để trẻ giữ được thói quen học tập cho các con.
Duy trì "phong độ"
Năm nào cũng thế, cứ đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chị Hằng (Thụy Khuê, Hà Nội) lại lo lắng không biết làm thế nào để con gái vẫn duy trì nề nếp học bài như bình thường.
Theo chị, việc nghỉ Tết kéo dài rất dễ khiến trẻ mải chơi quên học. Sau khi đi học trở lại, con chị phải mất cả tuần để xây dựng lại thói quen học bài hàng ngày. Bản thân chị cũng phải dành thời gian nhắc nhở, kèm cặp con sát sao hơn sau nghỉ Tết.
Bởi thế, chị rất mong cô giáo giao bài tập về nhà để con làm hàng ngày. Chỉ cần mỗi ngày con dành khoảng một giờ đồng hồ để ôn bài cũng rất tốt, vừa không bị quên kiến thức, vừa giữ được thói quen học bài và rèn luyện được tính tự giác.
Chị Phan Ngọc Diệp (Hà Nội) dạy 3 con học tại nhà. Ảnh: Anh Tuấn.
Chị cũng bật mí thêm là con gái rất ham chơi, nếu cô giáo không giao bài tập thì sẽ không tự giác học bài. Vì thế chị cũng sẽ tự chuẩn bị bài tập cho từng ngày nghỉ Tết để con làm trong trường hợp cô giáo không giao bài tập.
Chị Hoài Anh (Trần Nhân Tông, Hà Nội) cũng gật gù đồng ý với việc cô giáo nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ tết. Con chị năm nay mới vào lớp 1, khó khăn lắm mới hình thành cho con thói quen học bài mỗi buổi tối nên chị rất lo hơn 10 ngày nghỉ tết sẽ khiến cậu con trai bướng bỉnh của mình quên hết chữ nghĩa.
Khi được hỏi sao không cho con vui chơi thoải mái, chị cho biết sẽ không bắt con ngày nào cũng phải học bài nhưng sẽ dành thời gian để cùng con ôn lại bài vở lúc rảnh rỗi để không bị quên bài, không có cơ hội lười học. Nếu cô giáo giao bài tập về nhà giống như lúc ôn tập cuối học kỳ thì mình cũng nhàn hơn vì bọn trẻ vẫn nghe lời cô giáo hơn.
Cũng có cậu con trai đang học lớp 1 nên chị Vân (Lương Yên, Hà Nội) rất quan tâm hỏi kinh nghiệm bạn bè trong việc dạy con học bài ở nhà dịp nghỉ Tết.
Chị chia sẻ, mình vốn nghĩ cứ để con nghỉ thoải mái vì lớp 1 cũng chưa có nhiều kiến thức quan trọng nhưng bạn bè đều khuyên phải giao bài cho con làm hàng ngày để giữ thói quen. Việc nghỉ Tết, ngủ nướng nhiều, chơi thoải mái, xem ti vi triền miên sẽ khiến trẻ lười học, rất khó thích nghi với lịch học sau Tết - nhất là với học sinh lớp 1 còn chưa hoàn toàn quen với nề nếp, khuôn khổ.
Sau khi cân nhắc kỹ, chị Vân quyết định sẽ làm “gia sư” cho con trai trong kỳ nghỉ Tết nếu cô giáo không giao bài tập về nhà. Chị bảo nếu năm nay có về quê ăn Tết cũng sẽ nhớ cho vào vali mấy cuốn sách bài tập để lúc nào có thời gian là cho con học.
Sẽ “mượn danh” cô để yêu cầu con học
Chị Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, cô giáo nên giao bài tập về nhà trong kỳ nghỉ Tết. Ở trường con chị học hàng ngày đều gửi tin nhắn điện tử thông báo bài tập về nhà. Tối nào con trai chị cũng hỏi mẹ hôm nay cô có nhắn tin học bài gì không. Chỉ khi cô giáo giao bài thì con mới hào hứng ngồi vào bàn học. Nếu nghỉ Tết không được giao bài tập về nhà thì con chị sẽ không tự giác học bài dù bố mẹ giao bài.
Năm ngoái, mình yêu cầu con mỗi ngày làm một trang trong sách bài tập Toán và Tiếng Việt nhưng cháu hoàn toàn không làm. Buổi sáng thì ngủ dậy muộn, rồi lại đi chơi hoặc xem ti vi, bố mẹ bận không ngồi kèm được nên hết tết mà bài vở vẫn y nguyên. Năm nay nếu cô giáo không giao bài tập về nhà thì chị cũng sẽ “mượn danh” cô giáo để yêu cầu con học bài - Chị Quỳnh khẳng định.
Không ủng hộ giao bài tập về nhà
Bên cạnh rất nhiều phụ huynh mong muốn cô giáo nên giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết.
Chị Hà (Thanh Xuân, HN) chia sẻ: Tết là kỳ nghỉ nên hãy để cho trẻ được vui chơi thoải mái. Việc học dù rất quan trọng nhưng còn rất nhiều thời gian để bố mẹ kèm cặp con.
Việc giao bài tập về nhà là tốt với một số phụ huynh nhưng với những phụ huynh khác sẽ là không cần thiết, có khi còn gây phiền toái vì đang nghỉ tết lại phải lo dạy con học bài…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]