Yêu người, yêu nghề
Cô Mai Thị Thắm là giáo viên Trường tiểu học An Lộc B (Thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Trong quá trình 17 năm công tác, cô đã đạt được nhiều danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, được Thủ tướng tặng bằng khen.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố bị bệnh, mẹ không có nghề nghiệp ổn định, cô Thắm đã phải lao vào kiếm sống phụ giúp cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Cô luôn ý thức được một điều là phải sớm làm được việc gì đó để giúp đỡ gia đình.
Năm 1997, tốt nghiệp lớp Trung học sư phạm Sông Bé hệ 9+3 về công tác tại trường tiểu học Thanh Bình A, cô Thắm bắt đầu vào nghề từ năm 17 tuổi.
Cô Thắm nhớ lại: “Khi còn nhỏ, mỗi lần đi học, nhìn thấy hình ảnh cô giáo say sưa giảng bài, tôi đã có ước mơ làm cô giáo. Thêm nữa, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng muốn học sư phạm để sớm được đi dạy, kiếm tiền giúp ba mẹ.
Ngày đầu được phân về trường tiểu học Thanh Bình, dạy ở một điểm lẻ, cách nhà khoảng 7 cây số. Ngày đầu tiên đi dạy cảm thấy rất hồi hộp. May có một bạn học cùng lớp, cùng về dạy một trường. Tôi dạy ở trên, một cô bạn ngồi ở dưới quan sát trong quá trình dạy để có gì nhắc nhở”.
Và cứ thế, cuộc đời dạy học trôi qua đã đem lại cho cô không ít những kỉ niệm khó quên như chuyện vận động trẻ em dân tộc đến trường. Cô Thắm cho biết: Giáo viên phải đi vận động rất vất vả, có khi nhiều ngày trò mới đến lớp vì các em không thích đi học, muốn nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ. Với các em cô giáo phải vừa dạy vừa dụ vừa dỗ.
Còn nhớ có em cứ 2 - 3 buổi học lại nghỉ ở nhà. Vì thế, cô phải gần gũi, nhẹ nhàng bảo rằng: Con cố gắng đi, lần sau cô mua cho đôi dép. Vậy là khi có dép, trò đã vui vẻ và đến lớp đều đặn.
Làm cô giáo dạy tiểu học như nuôi con mọn. Giáo viên lúc nào cũng thường trực những suy nghĩ làm sao để cho học sinh hứng thú hơn để học tập. Cô đã thấy rằng, vì học sinh tiểu học thì sự tập trung không được lâu, nếu cứ sử dụng một phương pháp trong một tiết học thì sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Vì vậy mình vận động linh hoạt nhiều phương pháp trong một tiết dạy và đặc biệt là trò chơi học tập sẽ thu hút các em rất nhiều.
Để học sinh cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái khi tham gia các hoạt động học tập thì người giáo viên phải tạo ra môi trường học tập sao cho thân thiện cởi mở, học sinh hứng thú tích cực như vậy các em sẽ tiếp thu bài tốt hơn.
Cô Mai Thị Thắm trên bục giảng
Cô Thắm cho biết: Những chuyển động của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua được dư luận đánh giá cao và hầu hết các thầy cô đều ủng hộ. Nếu là người tâm huyết với Ngành, với nghề, các giáo viên cần không ngừng học tập để nâng cao trình độ và cần phải tiếp thu với những cái mới, những điều tiến bộ.
Những chỉ đạo gần đây của Bộ GD&ĐT như Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học và Chỉ thị 5105 về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học đã đem lại làn gió mới, đem lại nhận thức mới cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh trong nhà trường cũng như trong huyện, trong tỉnh.
Đồng tình với cách đánh giá mới đối với học sinh, cô Thắm cho biết: Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT rất phù hợp với đặc điểm của học sinh tiểu học. Ở tuổi này, các em cần hơn những lời khen ngợi và cần tránh gây áp lực học tập cho các em.
Cũng có một số phụ huynh cho rằng các em học sinh rất thích điểm. Nhưng qua khảo sát thì đó chỉ đúng một phần. Chỉ những học sinh giỏi thì thích điểm, còn những học sinh học trung bình thì không thích cho điểm vì cho điểm thì các em thường xuyên thua các bạn, không bao giờ bằng điểm các bạn khá giỏi.
Cho nên đối với những học sinh mà có lực học trung bình hoặc yếu trong lớp thì các em thích nhận xét. Trong lớp tôi có một học sinh học tương đối chậm, giáo viên nói con phải cố gắng. Có nghĩa là mình phải chú ý đến từng tiến bộ nhỏ của em đó. Ví dụ như hôm nay em đó viết chữ có đẹp hơn một chút là mình tìm cơ hội khen ngay. Em đó phấn chấn hăng hái lên liền.
Đối với học sinh lớp 2 buổi thì trường tôi mấy năm nay không giao bài tập cho học sinh về nhà. Bởi vì ngay buổi chiều mình đã cho các em học ngay tại lớp để hoàn thành những bài buổi sáng chưa xong và nâng cao cho các em ngay ở lớp, không giao bài tập về nhà.
Giáo viên không thể rời bỏ được các chuẩn kiến thức kĩ năng trong mỗi tiết học. Nhưng là giáo viên, mình cần làm chủ tiết học. Với các tiết vừa học vừa chơi, giáo viên với kinh nghiệm sẽ biết để sàng lọc, phân loại học trò và cân nhắc kiến thức truyền đạt đến các em.
Trong 17 năm dạy học, có những lần gặp những thay đổi như thay đổi sách giáo khoa, thay đổi cách đánh giá… nhưng với sự chủ động và tinh thần vượt khó của một nhà giáo, tôi luôn chủ động nên vẫn bắt kịp, chưa gặp quá nhiều khó khăn.
Trong sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT thì vai trò của giáo viên, người định hướng, khuyến khích, giúp học sinh tự khám phá tri thức là vô cùng quan trọng. Ý thức được điều này, cô Thắm không ngừng phấn đấu rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.
Được vinh danh là Nhà giáo ưu tú ở tuổi 34 là một vinh dự rất lớn không chỉ đối với cô mà cả cho Trường tiểu học An Lộc B, cho thị xã Bình Long và cả tỉnh Bình Phước.
Cô Thắm chia sẻ: Được tham dự buổi lễ, tôi cảm thấy rất vui, vinh dự vì mình đã phấn đấu và đạt được những thành tích, được đứng trong đội ngũ những nhà giáo ưu tú. Nhưng phần thưởng cao quý hơn cả là được học trò mình tin yêu, phụ huynh quý mến. Trong quá trình dạy học, các em học sinh của mình đều trở thành con ngoan trò giỏi thì đó mới là phần thưởng có ý nghĩa sâu sắc nhất.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]