Phân tầng trong GDĐH là bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo
Ngày 25/10/2015, Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, ban hành ngày 8/9/2015 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (ĐH) của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực, được áp dụng thực hiện việc phân tầng cho các trường ĐH trong cả nước.
Việc phân tầng cho các trường ĐH đứng vai trò hết sức quan trọng, góp phần xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển của các trường trong chiến lược cải cách GDĐH.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được phân thành 3 tầng gồm các trường định hướng nghiên cứu, các trường định hướng ứng dụng và các trường định hướng thực hành.
Tất cả cơ sở giáo dục ĐH trong mỗi tầng tùy theo chất lượng sẽ được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm hạng 1, hạng 2, hạng 3.
Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu: Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục ĐH có điểm cao nhất; Hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục ĐH có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục ĐH không thuộc hạng 1 và 3.
Cũng theo nghị định này, các tiêu chuẩn xếp hạng gồm: Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Dù đây là công việc còn mới mẻ, nhưng với việc định hướng phân tầng được đưa ra cho thấy ý nghĩa to lớn của một công việc mang tính chiến lược, được dư luận xã hội đánh giá rất cao, và như một luồng gió mới vừa có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển của các trường, vừa tạo ra cơ sở cho việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH giúp các trường nắm được quyền tự chủ của mình để đem lại hiệu quả kinh tế cho cả Nhà nước lẫn người học, tạo thuận lợi giúp học sinh lựa chọn đúng trường, đúng ngành nghề học
Trước những thay đổi theo yêu cầu của xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá nhằm cung cấp cho sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn quy trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước, đủ trí tuệ và bản lĩnh khi hội nhập WTO và cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, thì việc phân tầng ĐH không chỉ để “sự nghiệp giáo dục - đào tạo ĐH không bị thua ngay trên sân nhà” khi tham gia cuộc chơi quốc tế, mà còn nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với yêu cầu cơ cấu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là căn cứ để các trường xác định mục tiêu đào tạo trung hạn và dài hạn, đồng thời công khai minh bạch chất lượng đào tạo một cách khách quan...
Nhiệm vụ đang đặt ra với các trường ĐH ngay từ lúc này chính là bắt tay vào tiến hành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục từ việc xây dựng triết lý giáo dục phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy phát triển chung của giáo dục quốc tế; đổi mới tư duy giáo dục “gắn với xây dựng xã hội học tập”; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt tập trung vào đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng mở, cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt để giảng dạy cho người học.
Để tự khẳng định vị trí, chỗ đứng và thương hiệu của mình, đồng thời góp phần đưa giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]