Bức xúc vì những điều ghê rợn trong cổ tích Thạch Sanh
Câu chuyện mẹ Thạch Sanh cởi chiếc quần độc nhất cho con... của NXB Kim Đồng làm dư luận bàng hoàng. Họ lo lắng về chất lượng sách dành cho thiếu nhi hiện nay.
Trong cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Kim Đồng in và nộp lưu chiểu tháng 10/2014, truyện cổ tích Thạch Sanh, có các đoạn viết: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm. - Nói rồi, bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: - Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc. Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xé một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế".
Còn trong đoạn miêu tả cảnh Thạch Sanh chiến đấu với Trăn tinh có đoạn: “Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.”
Ảnh: Độc giả cung cấp.
Với sự việc này, ngày 20/3, Cục Xuất bản, in và phát hành đã có công văn gửi NXB Kim Đồng yêu cầu thẩm định lại nội dung cuốn sách này.
Thánh Gióng đánh giặc xong nhảy xuống Hồ Tây tắm?
Một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 chọn đoạn văn có nhắc đến Thánh Gióng để dạy về từ ngữ thay thế, trong đoạn văn có chi tiết liên quan đến nhân vật truyền thuyết này khiến phụ huynh, học sinh và giáo viên băn khoăn.
Đoạn trích dẫn tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5
Cụ thể trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 đưa ra 2 câu hỏi (a và b) là: “Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?
Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.
Đoạn trích nói trên đã trở thành chủ đề bàn luận trong nhiều ngày gần đây. Không ít người cho rằng, việc lựa chọn đoạn trích dẫn tác phẩm “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” của nhà văn Nguyễn Đình Thi vào sách khiến học sinh dễ hiểu nhầm về truyền thuyết Thánh Gióng.
Truyện tranh Hai Bà Trưng thua trận vì quân Mã Viện cởi quần
Cuốn truyện tranh có tên "Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh" của NXB Giáo dục gây bức xúc trong dư luận vì tình tiết Mã Viện hạ kế bắt quân sĩ cởi truồng mà giao chiến.
Trang 30, 31 cuốn sách có chi tiết Mã Viện hạ kế bắt quân sỹ cởi quần giao chiến.
Trong đó có đoạn viết: “Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều”.
Hình ảnh trong cuốn truyện tranh “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh” đoạn miêu tả trận chiến của Hai Bà Trưng
Theo các chuyên gia lịch sử nhận định rằng từ trước tới nay chưa từng có thông tin quân Mã Viện cởi truồng khi giao chiến với quân của Hai Bà Trưng trong bất cứ một tài liệu lịch sử nào.
Biến thể của bài thơ “Thương ông”
Bài thơ "Thương ông" trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 1 gây xôn xao dư luận khi nhiều phụ huynh phát hiện bị cắt nối khác bản gốc và cả đoạn trích đã quen thuộc với bao thế hệ học sinh.
Những vần thơ mới khiến nhiều người bức xúc vì biên tập đã tự ý cắt ghép là không tôn trọng tác giả.
Bài thơ Thương ông được học từ cấp 1, đối với nhiều phụ huynh, đây gần như là bài thơ mà họ thuộc nằm lòng.
Nhiều người bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao những người biên soạn sách giáo khoa lại phải sửa nội dung, trong khi bài cũ đọc suôn vần, dễ thuộc hơn lại tình cảm hơn.
Phụ huynh hãy là những "lưới lọc" tinh tế
Trên Zing.vn, khi nói về cổ tích Thạch Sanh trong cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Kim Đồng, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng: “Những cuốn sách dùng từ ngữ, hình ảnh không có phù hợp với trẻ sẽ tác động rất lớn tới suy nghĩ, thậm chí là hành vi của trẻ”.
Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho rằng cần phải thực sự thận trọng khi đưa ra những sản phẩm giáo dục trẻ em. Ngày nay, lượng sách ra quá nhiều, hư cấu càng nhiều thì càng cần kiểm soát chặt chẽ. “Nếu không chọn lựa kĩ thì mục tiêu giáo dục có thể biến thành phản giáo dục” - bà Huệ nhắc nhở.
Theo ý kiến của chuyên gia tâm lý Minh Huệ thì các ông bố bà mẹ bản thân họ phải là những “người đọc” để chọn được những cuốn sách đầy đủ ý nghĩa giúp con mình trưởng thành, phải tinh tế khi lựa chọn sách. Phụ huynh cần xem kĩ nguồn gốc của sách, lời bình sách từ những người uy tín để chọn mua. Các cuốn sách trôi nổi không kiểm soát thì rất dễ bị sai lệch nội dung.
Với những tác phẩm là văn học dân gian, trên Zing.vn Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, Đại học KHXH&NV TP HCM) cho rằng tác phẩm văn học dân gian đều có nhiều dị bản, qua mỗi thời kì có một dị bản phù hợp với ngôn ngữ của thời kì đó. Có các loại dị bản về ngôn ngữ, tình tiết, cốt truyện và tư tưởng .
“Đó là cách mà văn học dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác mà không bao giờ trở nên xưa cũ” - tiến sĩ Hiếu khẳng định.
Nếu việc biên soạn cẩn thận thì trong rất nhiều dị bản phải chọn dị bản phù hợp nhất với đối tượng hướng đến. Ngay cả khi đã chọn được dị bản phù hợp cũng phải điều chỉnh thêm về câu từ.
Khi làm mới tác phẩm văn học dân gian sẽ làm chúng méo mó, sai lệch nhiều so với nguyên bản vì tác phẩm đã được thể hiện qua lăng kính của tác giả, khác hoàn toàn so với người đi sưu tầm văn học dân gian.
Tiến sĩ Hiếu cho rằng không thể lấy lý do những sai lệch trong câu chuyện là của văn học dân gian. Dân gian có dị bản nhưng trường hợp này không phải lỗi của văn học dân gian truyện Thạch Sanh xưa nay không đề cập tới cảnh trần truồng hay chém giết máu me.
“Hãy để công chúng, người thưởng lãm nói lên tiếng nói của họ. Bằng lưới lọc của công chúng ta sẽ sàng lọc được những tác phẩm phù hợp trong dòng phát triển, biến đổi không ngừng của các tác phẩm dân gian” - ông nhấn mạnh.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]