Trên thực tế, người buôn gỗ đó thực chất là phóng viên nhập vai của một tờ báo. Vậy ông PGS Đàm Khải Hoàn nói gì về nghi vấn trên?
- Có thông tin cho rằng, ông đồng ý “giúp đỡ” một người buôn gỗ lấy bằng tiến sĩ y khoa, thực hư câu chuyện này như thế nào?
- Ông Đàm Khải Hoàn: Tháng 8/2012 có một anh đến nhà gặp tôi và nói là có một người giới thiệu cho tìm đến tôi để hỏi thủ tục học tham gia nghiên cứu sinh (NCS) tại trường.
Tôi vừa đi liên hoan về cũng “bốc” và ở khoa tôi được giao nhiệm vụ phụ trách mảng của khoa, học viên ít và tôi muốn khoa có được học viên.
Ông Đàm Khải Hoàn với sinh viên.
- Thực ra, trong ngành y, không phải ai cũng đi tiêm, có loại đào tạo y tế công cộng có thể bắt đầu từ cử nhân y tế công cộng học 4 năm, thậm chí, không phải học về y mà học Ngoại ngữ, học Toán, học Văn… vẫn có thể được học cao học y tế công cộng, ở Mỹ cũng đào tạo như thế. Sau khi học y tế công cộng xong thì đủ điều kiện xét tuyển có thể học NCS y tế công cộng.
- Vì sao ông lại đi giúp một người buôn gỗ lấy bằng TS y khoa? Việc này nghe có vẻ nực cười?
Anh ấy nói mình đi buôn gỗ nhưng muốn học tử tế cho rạng rỡ dòng họ. Anh ấy cũng nói đã học cử nhân y tế công cộng 4 năm tại ĐH Y Hà Nội và 2 năm thạc sĩ y tế công cộng.
Xét cho cùng, các quy định anh ấy đều đáp ứng và tôi nghĩ anh ấy muốn cầu thị, học để mở mặt với dòng họ thì tìm cách giúp đỡ anh ấy. Sau này, một bài báo đã làm nổi bật chuyện buôn gỗ để người ta hiểu sai.
- Vậy thực hư chuyện anh hứa “chạy hội đồng” là thế nào?
- Hội đồng là hội đồng xét tuyển đủ điều kiện thì được làm NCS, chứ không phải hội đồng bảo vệ luận án TS, không phải giúp ra được một TS. Anh nhà báo này hiểu việc ra được TS đơn giản quá, anh ấy suy ra ghê quá.
- Nhưng ông đã hứa viết hộ bài trên tạp chí khoa học chuyên ngành cơ mà. Chả nhẽ ông không vụ lợi gì và chuyện nhờ mua gỗ thì sao?
Muốn đủ đầu vào thì phải có 2 bài báo. Tôi có bàn với anh ấy lên Thái Nguyên làm và sẽ tổ chức để anh ấy tham gia điều tra cộng đồng, lấy số liệu, có thể phải nhờ anh em hỗ trợ thêm để lấy thông tin, sau đó viết bài báo để có đủ điều kiện vào học.
Sau đó, anh ấy nói phải đi Lào buôn gỗ nên tôi đã nói: Chỉ làm bài báo để nộp đủ thủ tục thì không có gì ghê gớm, có thể để anh em tổ chức điều tra giúp. Anh ấy nói về tiền bạc, về việc cho tôi cái này, cái kia…
Mọi việc cứ như một vở kịch đã xây dựng sẵn và một người như tôi chưa quen với việc này cứ đi vào. Anh ấy nói đi buôn gỗ, mình đang cần sửa nhà thì tôi cũng nhờ anh ấy mua luôn.
Anh ấy hỏi tài khoản tôi cũng cho, vì thực ra việc đi điều tra lấy số liệu cũng tốn dăm bảy triệu đồng chi phí cho đi điều tra, trả cho cộng đồng…
Khi tôi đưa tài khoản, anh ấy mới nói anh ấy là nhà báo, đã quay video… Tôi bực mình nói: Anh đã lừa tôi.
- Vậy sao bài báo không được đăng từ năm đó?
- Năm đó trường kỷ niệm 45 năm thành lập, nên nhà trường đã mời anh nhà báo tới trường đối chất với tôi và yêu cầu tôi trình bày sự việc.
Tôi đã khẳng định không nhận một đồng nào cả mà đó chỉ là chuyện chém gió.
Trong toàn bộ câu chuyện có gì liên quan đến tiền hay quà là đều do anh nhà báo đề nghị (anh ấy cũng công nhận việc này). Anh ấy đã không hiểu làm NCS khó hơn nhiều.
- Thật khó tin ông không sai gì?
- Cái sai của tôi là tôi không nhận, không đòi, nhưng cũng không phản đối; những thứ không làm được nhưng vẫn nhận, không suy nghĩ kỹ mà nói một cách chủ quan trong khi còn cả một hệ thống.
Thú thực, tôi chỉ muốn làm sao cho khoa có học viên. Nếu có thêm trò thì tôi được dạy và được nhà trường trả thù lao, chứ không phải cầu mong được cho tiền hay mua bán.
Năm trước, nhà trường cũng kết luận tôi sai ở khâu phát ngôn, không lường được ở khả năng của mình mà cứ hứa. Dù chưa làm gì để vi phạm kỷ luật như kết luận của trường, nhưng tôi cũng bị phê bình ở chi bộ, không được đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; mất lao động tiên tiến.
Hiện nay, còn 1 năm nữa tôi về hưu, nhưng nhà trường đã đề nghị tôi bàn giao công việc, nghỉ để viết giải trình sự việc.
- Hứa giúp người ta qua được đầu vào, sao anh dám liều như vậy?
- Ở mảng NCS, trường mới đào tạo được chục người trong 10 năm trở lại đây. Xét hồ sơ theo tiêu chuẩn, đủ bài báo, đủ ngoại ngữ sẽ xét, còn những thứ không hệ trọng thì có thể bỏ qua và còn dạy tiếp.
Từ lúc xét đến giờ, chưa ai bị trượt cả và nay cũng ra làm giáo viên ở nhà trường hết. Đầu vào nếu có người yếu một tý thì mình có thể dạy sau này.
Anh này thì đủ điều kiện, mặt mày sáng láng, ăn nói hoạt bát nên tôi nghĩ có thể đào tạo được. Anh ấy hỏi có mất đến hàng tỷ không, tôi cũng đã nói: Học viên phải tham gia làm nhiều, chứ không phải đi thuê đi mướn hết được.
- Tham gia đào tạo như thế ông thường nhận được quà gì?
- Học viên cho tôi những thứ mà họ cảm thấy quý, ví dụ, chai rượu, gói quà, gói thuốc, dịp lễ tết thì có người đưa tôi phong bì, thường là 100-200 nghìn đồng, anh nào giám đốc hay làm ăn được thì đưa phong bì 1 triệu đồng, nói là cám ơn thầy và dặn thầy thích ăn gì thì thầy mua vì em không biết mua quà gì.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]