1.Giảm lo lắng
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết, các sĩ tử tới trung tâm tư vấn đa số là quá căng thẳng thần kinh dẫn đến tâm lý bất ổn, cơ thể mệt mỏi, đầu óc mông lung, không tập trung học được…
Để dẹp bỏ áp lực, sĩ tử cần: Thả lỏng tâm lý, không đề cao vấn đề đỗ hay trượt đại học; Nên nhận thức rõ đại học không phải là cơ hội duy nhất để tiếp bước tới tương lai. Như thế áp lực kỳ thi đại học sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu thấy quá căng thẳng thì nên nói chuyện với bạn bè, người thân để được chia sẻ, động viên lấy lại tinh thần thoải mái.
2. Tránh nhồi nhét kiến thức
Thời điểm này các sĩ tử tránh học dồn, nhồi nhét kiến thức. Bởi kiến thức dồn lại khiến phản xạ thần kinh bị tác động quá sẽ tự động xóa dữ liệu, phản tác dụng, chỉ nhớ được những kiến thức mới đọc mà quên những phần trước và dễ bị rơi vào hoảng loạn.
Dành thời gian trao đổi với bạn bè cũng là cách ôn tập thông minh và thoải mái. Để việc ôn tập các kiến thức không nặng nề, buồn chán, sĩ tử nên ôn ít nhất 2 môn/buổi. Nếu tinh thần thoải mái thì hãy hệ thống, rà soát lại kiến thức ở cả 3 môn thi. Hãy tự tin với kiến thức đã trang bị để có tâm lý ổn định, tránh để mình rơi vào trạng thái bất ổn trước kỳ thi.
3. Đi chơi và thư giãn
Sĩ tử cần giữ giao tiếp với bạn bè, người thân xung quanh bởi họ là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời, tán gẫu với mọi người cũng là cách xả stress tốt. Đừng tự nhốt mình học, hay cách ly với mọi người. Nên hạn chế ăn uống vỉa hè vì dễ “có vấn đề” với đường tiêu hóa. Không nên đi chơi xa để đề phòng bất trắc khiến không thể tham dự được kỳ thi.
Có thể giữ tinh thần luôn thoải mái bằng cách xem phim, nghe nhạc, chơi game…
4. Không nên thức khuya
Giai đoạn này, nhiều sĩ tử bị xáo trộn nhịp sinh học hàng ngày do thức khuya dậy sớm, học quá sức, ít vận động cơ thể, hay lạm dụng cà phê, các chất kích thích… dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm cảm. Tốt nhất nên dậy sớm, vệ sinh cá nhân, tập thể dục để nhanh chóng tỉnh ngủ, ôn tập dễ dàng hơn. Nên ngủ trước 11 giờ để giữ gìn sức khỏe, lấy sức và đủ tỉnh táo cho kỳ thi.
5. Những điều cha mẹ nên lưu ý:
Nên: Bằng lòng với những điều mà con cái mình có… để lỡ thất bại sẽ không trở thành bi kịch.
Luôn tạo không khí vui vẻ, đầm ấm, yêu thương nhiều cử chỉ quan tâm chân thành để con có tâm lý thật ổn định.
Khuyên con gắng sức, nhưng không nói nhiều về một điều gì đó.
Hàng ngày dành thời gian vận động, giải trí, giải lao, trò chuyện, lắng nghe về kế hoạch tương lai của con.
Nếu sĩ tử thấy chóng mặt, choáng váng… có thể do đói, hạ đường huyết, gây thiếu máu lên não. Hãy cho con ăn sáng no đủ giúp đầu óc sảng khoái minh mẫn, tập trung học. Ăn đủ 3 bữa chính vài bữa phụ (đủ chất đạm, đường, béo, vitamin, khoáng chất…) để luôn ổn định đường huyết. Ăn nóng, uống sôi để không bị rối loạn tiêu hóa.
Luôn có sẵn một số loại thuốc thông thường như: Đau đầu, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, giảm đau, dầu gió… để khi cần là có ngay.
Không tự ý mua các loại thuốc bổ não vì một số thuốc không có tác dụng tăng cường trí nhớ, quá liều còn bị sốc, ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh. Thực phẩm chức năng, nhân sâm cũng chỉ chống mệt mỏi, tăng khả năng tập trung… chứ không phải là thần dược trí nhớ, hay sự thông minh.
Không nên: Vẽ ra những viễn cảnh xấu nếu con trượt đại học, vô tình trút lên con những lo toan, ảnh hưởng rất xấu cho kỳ thi trước mắt của con.
Quá chăm chút, hỏi han làm con mất tập trung, khó chịu, vô tình còn ám thị cho sĩ tử rằng kỳ thi sắp tới rất đáng sợ.
Can thiệp sâu, áp đặt hay ép buộc con cái phải làm theo ý mình. Không nói nhiều về hướng đã vạch sẵn bởi thời điểm này thường phản tác dụng, con không thích.
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]