Thêm khối thi, thêm môn thi
Tại Đại học Quốc gia TPHCM, 5 trường ĐH thành viên sẽ tổ chức tuyển sinh bình thường như năm 2014, ngoại trừ ĐH Bách khoa. Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, trường ĐH Bách khoa sẽ có thêm một số khối thi vào năm 2015.
Theo dự kiến, ngoài các khối thi như năm 2014, ĐH này bổ sung thêm các khối mới như: Tổ hợp các môn Toán - Hóa - Anh; Toán - Văn - Anh; Toán - Văn - Năng khiếu (Toán nhân hệ số 2).
Ngoài ra, trường này còn bổ sung thêm bộ tiêu chí tuyển sinh và dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển thẳng những học sinh giỏi thuộc một số trường chuyên hàng đầu cả nước.
Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng HN cho biết, trước kia, ĐH Xây dựng có ý định thi kiểm tra riêng sau kỳ thi chung, nhưng sau cuộc bàn thảo chung của ngành GD&ĐT, ĐH Xây dựng chuyển đổi phương án như sau: Không thi kiểm tra riêng nữa mà hoàn toàn dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, trường này sẽ tổ chức thi môn vẽ và ngoài các khối thi truyền thống, ĐH Xây dựng sẽ có tổ hợp tuyển sinh 4 môn Toán - Lý - Hóa - Ngoại ngữ.
Thí sinh dự thi Đại học năm 2014 làm thủ tục và đóng lệ phí thi Anh: Hồng Vĩnh
ĐH Bách khoa HN sẽ sử dụng kết quả thi của kỳ thi quốc gia và sẽ tiếp tục sơ tuyển đầu vào sau 1 năm thí điểm thành công, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường này cho biết.
Tuy nhiên, ông Điền cũng bật mí, năm nay chuẩn đầu vào của sơ tuyển có thể sẽ thấp hơn năm trước, vì tính chất kỳ thi tuyển khác hơn kỳ thi tốt nghiệp hằng năm (năm ngoái, điểm sơ tuyển của trường này là 19,5). Năm nay, ở vòng sơ tuyển, các thí sinh cũng phải vượt qua điểm quy định của các môn thi liên quan đến khối thi.
Theo ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp HN, ngoài việc sử dụng kết quả của cuộc thi chung, đang nghiên cứu để mở rộng khối thi theo các tổ hợp môn thi như: Anh-Toán-Lý-Hóa, Toán-Lý-Anh, có những ngành có thể tuyển thêm khối C.
Nhìn chung, ở thời điểm này, các trường ĐH, CĐ trên cả nước đang trong giai đoạn họp bàn về chính sách tuyển sinh của trường mình cho mùa tuyển sinh 2015.
Đa số các trường sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh. Tuy nhiên, có nhiều trường sẽ bổ sung thêm khối thi và môn thi ngoài việc tuyến sinh theo các khối thi truyền thống, nhiều trường bổ sung thêm các khối thi, môn thi và nhân hệ số một số môn thi để phù hợp với chuyên ngành đào tạo của các trường. Được biết, các trường sẽ báo cáo Bộ GD&ĐT và sẽ sớm công bố để thí sinh biết.
Học phí có tăng vọt không?
Dư luận phụ huynh và học sinh đang xôn xao về việc các trường ĐH, CĐ tăng học phí trong năm nay. Trường ĐH Ngoại thương HN lên thành khoảng 6 triệu đồng/năm (hệ chất lượng cao không tăng).
Trường này là trường được thí điểm tự chủ về tài chính nhưng ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng nhà trường cho biết, học phí của trường Ngoại thương tăng nhưng vẫn dưới trần tăng hằng năm của Nghị định 49 của Chính phủ cho phép các trường thu học phí (tăng khoảng 15%).
Ông Châu khẳng định: Học phí Trường Ngoại thương HN vẫn đi theo lộ trình và cũng cho biết, theo lộ trình tự chủ, đến năm 2017 - 2018 học phí trường này sẽ nằm ở khoảng 17 - 18 triệu đồng/năm để có thể lấy thu bù chi cho quá trình đào tạo khi trường này không được cấp ngân sách và tự chủ hoàn toàn về tài chính.
ĐH Bách khoa thu 6,5 triệu đồng/năm đối với các ngành kỹ thuật hệ chính quy. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường này cho hay: Không như những trường đào tạo về kinh tế, tài chính hay khoa học xã hội…, những ngành chỉ cần tới bảng đen và phấn trắng; các trường đào tạo về kỹ thuật phải đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm, nhà xưởng… Vì vậy, các trường đào tạo trên nền “phấn trắng - bảng đen” nên cân nhắc mức học phí để phù hợp với túi tiền của nhân dân.
Ông Điền nói: “Dù là tự chủ nhưng Bộ GD&ĐT nên có yêu cầu các trường đảm bảo mức học phí hợp lý để đảm bảo con nhà nghèo được đi học bình đẳng với con nhà giàu, phù hợp với việc chi phí giữa trường công nghệ với trường xã hội nhân văn”.
Tuy nhiên, ông Điền cũng nói với vẻ lạc quan: Tăng học phí “thời tự chủ” sẽ có thể xộc xệch một vài năm nếu không được kiềm tỏa, nhưng sớm muộn gì nền học phí cũng sẽ tự điều tiết; đơn giản là vì học phí cao quá sẽ không thu hút được sinh viên, trừ một số trường đào tạo ngành hiếm!
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]