Hiểm họa "kép" từ điện thoại: Trượt tốt nghiệp, mất cơ hội vào ĐH
Ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Việc mang điện thoại vào phòng thi là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các thí sinh bị đình chỉ trong nhiều kỳ tuyển sinh “3 chung” trước đây.
Với kỳ thi sắp tới, thí sinh đặc biệt lưu ý: Điện thoại mang vào phòng thi, dù bật hay tắt cũng sẽ bị đình chỉ. Nếu đình chỉ, thí sinh không chỉ mất cơ hội vào đại học mà cũng đồng nghĩa với việc trượt tốt nghiệp.
Ngoài ra, năm nào tổ chức thi tuyển sinh, nhà trường cũng gặp trường hợp thí sinh quên giấy tờ, chứng minh thư hoặc mất thẻ do đi lại...
Tâm lý trước khi bước vào phòng thi vô cùng quan trọng và những việc liên quan đến giấy tờ như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sự bình tĩnh của thí sinh, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng làm bài. Do đó, thí sinh cần cẩn trọng, lưu ý việc này.
Khi làm bài thi, ông Nguyễn Minh Tiến khuyên thí sinh: Hãy làm câu dễ trước, khó sau để chắc chắn không bị điểm liệt. Năm nay, điểm liệt là 1 điểm, yêu cầu cao hơn mọi năm.
Với bài thi trắc nghiệm, một trong những lỗi không ít thí sinh thường mắc là tô nhầm câu trả lời. Do đó, thí sinh cần căn tô câu trả lời cho đúng dòng. Vì chỉ 1 câu tô nhầm sẽ kéo theo nhầm cả bài.
“Ngoài ra, những việc nhỏ như ghi số tờ, số bài trong bài thi tự luận; tô mã đề, số báo danh trong bài thi trắc nghiệm … thí sinh cũng cần hết sức thận trọng.” - ông Nguyễn Minh Tiến lưu ý thêm thí sinh.
Mọi chuẩn bị cơ bản hoàn tất
Kỳ thi THPT quốc gia 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được giao chủ trì cụm thi dành cho thí sinh quận Long Biên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và các thí sinh từ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Đến thời điểm này, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tại Học viện là trên 12,5 nghìn thí sinh.
Tính theo môn thi, môn Toán có 12.109 thí sinh; Ngữ văn: 11.329; Tiếng Anh: 10.974; Vật lý: 8.273; Địa lý: 3.516; Hóa học: 6.853; Lịch sử: 1.173; Sinh học: 2.475; Tiếng Trung: 4 thí sinh; Tiếng Đức: 1 thí sinh và Tiếng Nhật: 1 thí sinh.
Với số lượng thí sinh như trên, Học viện bố trí 515 phòng thi ở 25 địa điểm. Trong đó, khu vực trong Học viện có 6 địa điểm và 19 điểm ngoài trường, bố trí tại các trường THCS, THPT, cao đẳng khu vực Gia Lâm và quận Long Biên.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết: Dù lần đầu tiên thực hiện hình thức thi mới, nhưng Học viện đã có truyền thống nhiều năm tổ chức thi tuyển sinh quy mô từ 4 đến 5 vạn thí sinh, lớn hơn rất nhiều lượng thí sinh tổ chức thi THPT quốc gia năm nay, nên công tác tổ chức không gặp vấn đề gì lớn.
Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị trước kỳ thi đã sẵn sàng, từ chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác phối hợp, các quyết định nhân sự, vật tư đến việc dự kiến những tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi. Cùng với cán bộ, giảng viên, Học viện cũng sẽ huy động trên 500 sinh viên năm cuối tham gia công tác coi thi.
Dù số thí sinh không quá nhiều và phần lớn địa bàn gần nhưng công tác hỗ trợ thí sinh cũng hết sức được lưu ý. Theo đó, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên Học viện đã tổ chức các đội sinh viên tình nguyện liên hệ chỗ ăn, ở cho thí sinh có nhu cầu; đến từng điểm thi hỗ trợ giữ gìn trật tự điểm thi, trông đồ giúp thí sinh, dẫn thí sinh đến các điểm thi…
“Thí sinh dự thi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam không phải lo lắng về nơi ở. Vì không chỉ ký túc xá của Học viện mà Trường CĐ Mỹ nghệ và CĐ Kinh tế kỹ thuật Trung ương nơi Học viện đặt điểm thi đều sẵn sàng ký túc xá cho thí sinh và người nhà.
Bên cạnh đó, năm nay, nhiều thí sinh dự thi tại cụm ở ngay tại địa bàn nên nhu cầu nơi ở trọ trong mấy ngày thi sẽ không nhiều.” - Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]