Cách thành phố Mumbai 95 km về phía Đông Bắc, lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi của Sheetal More tọa lạc trong ngôi làng Phangane đẹp như tranh vẽ. Lớp học đặc biệt này bắt đầu hoạt động từ năm ngoái, DW đưa tin.
Trong căn lều tạm bợ nằm dưới tán cây cao, một nhóm phụ nữ mặc sari hồng, đồng phục của lớp, ngồi khoanh chân trên sàn nhà cùng phấn và bảng trong tay, đầu nghiêng về phía trước. Tất cả đều trên 50 tuổi và mù chữ. Thậm chí, một số người đã 80 tuổi.
"Nhiều học viên khá lớn tuổi. Trí nhớ của họ không tốt nên họ dễ dàng quên mọi thứ. Điều đó có nghĩa chúng tôi cần liên tục lặp lại những thứ đã dạy", More (30 tuổi) thở dài.
Bên cạnh đó, một số người mắc chứng lãng tai và giáo viên thường xuyên phải nói to.
Các học viên trong lớp học đặc biệt đều trên 50 tuổi. Ảnh: DW.
Không còn điểm chỉ
Các học viên trong lớp thuộc lòng bảng chữ cái và bảng số, nghiêng cặp kính để lần chữ trong sách giáo khoa. Lớp học khá náo nhiệt. Những người phụ nữ này không quen với việc đến lớp.
Một bà lão với chiếc khuyên lớn trên mũi và gương mặt dạn dày sương gió thu hút sự chú ý của More khi bà giơ tấm bảng với những dòng chữ ngoằn ngoèo. Trong khi đó, vài người khác túm tụm bàn tán về đám cưới sắp tới, một nhóm tóc bạc trắng cười nói rộn ràng.
Diễn ra hàng ngày trong 2 tiếng, lớp học đón chào những người bà, người mẹ rời tay khỏi việc nhà. Nhiều học viên tiến bộ và hiện có thể đếm cũng như ký tên.
"Trước đây, tôi điểm chỉ trên mọi giấy tờ của ngân hàng. Song hiện tại, tôi có thể ký tên. Điều này thực sự tuyệt vời. Hãy tưởng tượng lần tới tôi đi đến ngân hàng, những nhân viên ở đó hẳn sẽ ấn tượng",Yashoda Kedar, một học viên trong lớp, nói.
Người phụ nữ này không biết rõ năm nay bà bao nhiêu tuổi nhưng áng chừng khoảng 55. Nhiều người khác cũng như bà Yashoda. Họ không có giấy khai sinh. Hầu hết lớn lên cùng nghèo đói.
Bà Yashoda nhớ lại khoảng thời gian khốn khó, vất vả với việc từ trong nhà đến ngoài đồng. Nhiều phụ nữ trong làng kết hôn từ nhỏ. Sau đó, họ phải đảm đương vai trò truyền thống của người nội trợ kiêm người mẹ khiến họ hiếm có cơ hội đi học.
"Đây là nhóm bị lãng quên trong các sáng kiến xóa mù chữ. Hầu hết đàn ông trong làng có thể viết tên của mình song những người phụ nữ lớn tuổi thì không", Dilip Dalal, người sáng lập Charitable Trust Motilal Dalal - cơ quan quản lý lớp học đặc biệt, chia sẻ.
Theo một báo cáo được hỗ trợ bởi Liên Hợp Quốc, Ấn Độ là nơi có nhóm người lớn tuổi mù chữ lớn nhất thế giới - 287 triệu người. Dù đất nước hướng tới cải thiện tình trạng và biến giáo dục trở thành quyền cơ bản, các chuyên gia cho hay việc thiếu các trường học chất lượng và tình trạng mù chữ ở phụ nữ vẫn là vấn đề lớn.
Bất bình đẳng giới
Tại làng Phangane, không chỉ những bà lão thuộc thế hệ của bà Yashoda, các bé gái cũng gặp khó khăn với việc học hành. Trở ngại này tồn tại như lẽ hiển nhiên, thậm chí đến ngày nay.
500 cư dân trong làng sinh sống bằng phương thức tự cung tự cấp - từ trồng lúa, ngũ cốc đến dưa chuột và đậu bắp - và ít có cơ hội làm việc trong những khu xây dựng. Phụ nữ làm việc ở nhà, trên những cánh đồng và nuôi dạy con cái. Đàn ông thường đến các thị trấn xung quanh, một số tới Mumbai, để tìm việc.
Làng có một trường tiểu học song chỉ dạy đến lớp 4. Nếu muốn học tiếp, những đứa trẻ phải sang làng khác, cách 12 km. Không có xe bus trực tiếp đến ngôi làng đó nên chúng phải thuê xe đến vùng ngoại ô vào buổi sáng và từ đó bắt xe bus. Về cơ bản, điều này khiến các bé gái không thể đi học.
"Gia đình không bao giờ cho phép chúng tôi đi xa như vậy. Họ lo lắng về sự an toàn cũng như danh tiếng của chúng tôi", Seema Chaudhary, con gái của bà Yashoda, thông tin.
Người phụ nữ 28 tuổi này chỉ học hết lớp 4 và ở nhà phụ việc đến khi kết hôn.
Mặt khác, Santosh Kedar, em họ của Seema, học về kỹ thuật dân dụng tại thành phố Pune, rời xa gia đình ở Phangane hàng năm trời. Anh học tại các thị trấn khác nhau. Phần lớn thu nhập của gia đình dành để trang trải học phí cho anh.
“Thật không công bằng khi các cô gái chịu thiệt hơn những chàng trai”, Seema nói khi ngồi cạnh mẹ trong ngôi nhà nhỏ và bóc vỏ đậu xanh vào bát.
“Những bé gái tại đây kết hôn sớm và bị tước đoạt tương lai”, cô nói.
Thái độ trọng nam khinh nữ cũng là một yếu tố. Chồng của Seema đuổi cô ra khỏi nhà bởi cô sinh một bé gái.
"Chồng tôi khao khát có con trai. Thậm chí, anh ấy còn đe dọa giết con gái của chúng tôi", cô kể.
Quay về nhà cha mẹ ở làng Phangane, Seema quyết tâm phấn đấu vì tương lai tươi sáng của cô con gái 8 tuổi, Gayatri.
"Tôi không được học hành nhưng tôi thực sự muốn con bé có cơ hội này. Tôi muốn nó có thể vững vàng trên đôi chân và đưa ra quyết định của riêng mình. Tôi sẽ tôn trọng những quyết định đó", người phụ nữ này khẳng định.
Chờ Gayatri học hết lớp 4, Seema dự định đến nhà chị gái ở thành phố Pune để con có thể học hành đến nơi đến chốn.
Giáo dục phụ nữ đã trở thành vấn đề nóng tại làng Phanage từ khi lớp học dành cho người già mở ra vào cuối tháng 3 năm ngoái.
Ông Prabhakar, chồng của bà Yashoda, rất mừng khi vợ có thể học chữ trong những năm cuối đời.
"Trường học dành cho bà lão sẽ giúp làng của chúng tôi thay đổi, khiến phụ nữ lớn tuổi phát triển về nhận thức cũng như tự tin hơn", ông chia sẻ.
Hiện tại, bà Yashoda có thể đọc thiệp mời, ký giấy tờ cũng như nhận biết giá vé xe bus. Gayatri thường giúp bà ngoại học bài vào buổi tối và nắn tay khi bà tập viết.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, mình muốn tới trường học đọc và viết. Hoặc cháu gái tôi có thể giúp tôi làm bài về nhà. Thật khó tin”, bà Yashoda nói với nụ cười trên môi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]