Nguyên tắc đầu tiên là "không khen vào sản phẩm mà khen vào quá trình". Ví dụ chị Điệp hay khen con "rất nỗ lực, lúc làm bài mẹ còn thấy Nam toát cả mồ hôi". Mẹ “thần đồng” cho rằng, việc khen quá trình sẽ giúp trẻ hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm quan sát và đánh giá nhiều nhất. Với các công việc khác, trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục cố gắng hơn nhiều để được người lớn công nhận, khen ngợi.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.
Nguyên tắc thứ hai là "không so sánh với con của người khác mà chỉ so sánh với chính đứa trẻ ở khía cạnh tích cực". Ví dụ, hôm qua con chưa làm được cái này, hôm nay con làm được là điều rất tuyệt vời. Theo chị Phan Hồ Điệp, trẻ con có một kẻ thù vô hình nhưng đáng sợ là "con nhà người ta". Việc bố mẹ hay so sánh với những đứa trẻ khác vừa khiến trẻ có thể tự ti, vừa nảy sinh lòng đố kị. "Bố mẹ đừng bao giờ so sánh con mình với con nhà người khác, hạn chế dùng những từ chê bai, đặc biệt không chê con trước đám đông", chị Điệp chia sẻ.
Nguyên tắc thứ ba là không nhấn vào các phẩm chất của con mà khen như: thông minh thế, tuyệt vời thế… Lý do chị Điệp đưa ra là không phải đứa trẻ nào cũng giỏi, thông minh nên nếu được khen nhiều những phẩm chất này, khi ra đời trẻ có thể thấy những lời khen trái với thực tế và thất vọng về mình. Cách mẹ Đỗ Nhật Nam làm là khen vào trạng thái của mẹ như: "Nam làm được cái này mẹ rất vui, tự hào, hạnh phúc…".
Nguyên tắc thứ tư, chú ý khen cả những thứ con không để ý. "Trẻ con thường cực kỳ sung sướng về điều này", chị Phan Hồ Điệp nói và phân tích việc khen con cả những thứ con vô tình làm như "đưa đồ chơi cho bạn" sẽ giúp trẻ hiểu rằng hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.
Nguyên tắc thứ năm là truyền đạt lại lời khen của người khác đến trẻ. Chị Điệp cho rằng, điều này làm lời khen có vẻ khách quan hơn. Chị cũng thường áp dụng nguyên tắc học trong cuốn Cha mẹ Nhật truyền cảm hứng cho con này với Nhật Nam và thấy hiệu quả. Ví dụ, chị thường lấy lời khen của ông hàng xóm kể lại với Nam như: ông khen Nam đi học về biết chào, hỏi mọi người. Cách này khiến Nam vui vẻ và những ngày sau đó luôn chào hỏi mọi người khi đi học về.
Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, được coi là "thần đồng" khi luôn đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers (15/15) trong năm học lớp 1. Năm lớp 2 em thi TOEIC đạt 940/990 điểm, lớp 3 thi TOEFLT ITP đạt 617 điểm, lớp 4 thi TOEFLT IBT đạt 107 điểm và lớp 5 thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading đạt tuyệt đối 9.0.
Nhật Nam còn đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi tiếng Anh, hùng biện trong nước và quốc tế... Em hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]