“Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" - Hồ Chí Minh.
Lịch sử là môn học mang tính nhân văn và phát triển con người. Nó không chỉ hướng con người biết về những mối quan hệ hiện tại, kết nối hiện tại với quá khứ, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Môn học này không thể thiếu trong chương trình giảng dạy ở hầu hết các nước trên thế giới.
Ngoài đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tham quan thực tế cũng là cách học hiệu quả.
Tất cả môn học trong lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội trước hết đều cần nội dung định hướng và quan trọng hơn là phương pháp giảng dạy. Môn Lịch sử cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh giáo trình được xem như phần cứng không thể thiếu, phương pháp dạy là đường dẫn rất quan trọng kết nối phần cứng với sự lĩnh hội của người học.
Lịch sử Việt Nam có bề dày hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước và phát triển, với truyền thống hào hùng của dân tộc. Trong bối cảnh đa văn hóa và xu thế toàn cầu hóa, Lịch sử trở thành yếu tố mang bản sắc riêng của dân tộc, cần được quan tâm và đầu tư phát triển.
Quay lại việc giảng dạy môn Lịch sử ở Việt Nam, phương pháp vẫn là nghe giảng, và đọc chép. Chúng ta không phủ nhận phương pháp này có hiệu quả đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Ở cấp học này, vai trò của giáo viên như người “cầm tay chỉ việc”, để học sinh biết về các nhân vật, sự kiện lịch sử ở mức độ đơn giản.
Hình ảnh và những câu chuyện lịch sử trở thành công cụ khá hiệu quả đối với lứa tuổi này. Tuy nhiên, phương pháp trên có vẻ không phát huy được giá trị lịch sử và sự tiếp nhận kiến thức của môn học được xem là “khô khan và khó nuốt”.
Đội ngũ giảng dạy môn Lịch sử ở nước ta luôn mong muốn áp dụng những phương pháp giáo dục chủ động, nhưng họ gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân là khung chương trình giảng dạy và nội dung khá nhiều, giáo viên phải chạy đua với thời gian. Vậy cần cải tiến việc dạy và học Lịch sử thế nào?
“Tham quan thực tế” được xem là hoạt động ngoại khóa khá hiệu quả, giúp học sinh nhớ lâu, có cơ hội khám phá thực tế nhiều hơn thông qua các mô hình sự kiện, viện bảo tàng, những khu di tích lịch sử…
Điểm cần lưu ý trong hoạt động này là cần giải thích rõ ý nghĩa, trách nhiệm của học sinh khi tham gia. Điều đó góp phần định hướng, khám phá, tập trung vào những nội dung cụ thể, tránh lãng phí tài chính và thời gian, công sức.
Câu chuyện lịch sử từ những “nhân chứng sống”. Đây là lợi thế cho việc giảng dạy môn Lịch sử ở nước ta. Việt Nam, đất nước anh hùng và được tạo dựng bởi những con người anh hùng. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng, chiến sĩ lực lượng vũ trang từng tham gia trong kháng chiến là “tư liệu sống” vô cùng quý giá. Họ sẽ giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử từ những câu chuyện lịch sử.
Giảng dạy bằng hình ảnh, phim tư liệu, vẽ bản đồ cũng nên được áp dụng. Học bài bằng biểu đồ giúp học sinh phát triển tư duy, khả năng liên kết nội dung.
Thay vì trình bày diễn biến trận đánh bằng những đoạn văn mô tả, học sinh dễ dàng nhớ hơn khi thể hiện sự kiện bằng bản đồ lịch sử.
Một trong những phương pháp giảng dạy khác giúp học sinh tham gia và thể hiện tư duy phản biện đối với các sự kiện lịch sử là “Nếu tôi là”.
Một giáo viên dạy Lịch sử tại trường trung học phổ thông ở Philippines cho biết, thích tạo cơ hội cho sinh viên trở thành những nhân vật lịch sử. Người dạy sẽ
nhìn thấy được tư duy, giải pháp và nhận định của các em về sự kiện đó.
Mỗi môn học đều có ý nghĩa riêng, đóng góp vào sự phát triển của xã hội con người, một thế hệ của đất nước. Lịch sử cũng thế, một môn học không đơn thuần chỉ học về những cái đã qua, mà còn kết nối với hiện tại để tạo ra một bối cảnh lịch sử mới của cả quốc gia.
Vì thế, đầu tư vào giáo dục nói chung và môn Lịch sử nói riêng là rất cần thiết. Bên cạnh việc chú trọng cải thiện sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy cũng cần được thay đổi sao cho phù hợp và hiệu quả.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]