Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, tranh cãi về 2 câu thơ là rất bình thường và thú vị (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)
Kỳ thi Phổ thông trung học Quốc gia 2016 đã trôi qua, tuy nhiên, những tranh cãi xoay quanh bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ Lưu Quang Vũ vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận xã hội.
Tại cuộc họp báo do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức chiều ngày 4/7, lãnh đạo Bộ đã có những phát ngôn về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng trích đoạn trong bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong đề thi môn Ngữ văn đã được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985. Cuốn thơ được xuất bản khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống.
Sau khi đề thi Ngữ Văn được công bố, dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao Bộ chọn ra đề thi trong cuốn thơ được in từ năm 1985 mà lại không phải từ những cuốn sách gần đây có câu thơ "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa" được học sinh và nhiều người biết đến? Việc ra đề thi liệu đã có sự kiểm tra, đối chiếu so sánh hay chưa?
Về vấn đề này, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo ) khẳng định: Cuốn sách Bộ dùng làm ngữ liệu trong đề thi môn ngữ văn là cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985 và đây là cuốn sách gốc.
“Cuốn thơ này dễ dàng được tìm thấy ở các thư viện. Cuốn thơ đủ độ tin cậy cao, chính xác nên hoàn toàn dùng để làm đề thi môn Ngữ văn cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia,” ông Trinh cho biết thêm.
Theo ông Trinh, việc tranh luận trong câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” là điều hết sức bình thường, hết sức thú vị. Diễn giải cho quan điểm của mình, vị Cục trưởng này ví von với trường hợp cụm từ “mặt chữ điền” trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Trước báo giới, ông Trinh thậm chí rất hồ hởi đọc nguyên văn bài thơ nổi tiếng này trước cuộc họp.
Trước lo ngại về sự “vênh” trong việc tiếp cận của học sinh đối với ấn phẩm có thể ảnh hưởng tới kết quả làm bài thi của thí sinh, ông Trinh khẳng định: Ngữ liệu đưa vào đề thi hoàn toàn tin cậy nên thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm làm bài thi, dư luận xã hội có thể yên tâm về việc ra đề, chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, ngay sau khi môn thi Ngữ Văn kỳ thi Phổ thông trung học Quốc gia 2016 kết thúc, dư luận đã dậy sóng và có những tranh luận trái chiều về câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ được sử dụng trong đề thi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]