Theo dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến, bài thi tự luận sẽ được chấm theo thang điểm 20, các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm, không quy tròn điểm từng bài thi. Bài thi trắc nghiệm chấm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang 20 điểm (điểm lẻ đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm.
Câu hỏi tăng gấp đôi?
Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ lo lắng khâu ra đề có thể gặp khó khăn nếu áp dụng thang điểm 20 như dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra. “Thí sinh rất lo lắng liệu với thang điểm này, số câu của bài thi trắc nghiệm có tăng lên 100 hay vẫn 50 câu như năm trước” - giảng viên này băn khoăn. Vị này cũng nói thêm: “Để có bộ đề thi chấm được với thang điểm 20 không phải đơn giản, đặc biệt là với các môn xã hội. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần thông tin rõ hơn về việc này để thí sinh và phụ huynh không lo lắng”.
Học sinh kiểm tra độ bảo mật của đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Không thay đổi cách làm bài
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho rằng việc mở rộng thang điểm không làm thay đổi cách làm bài của thí sinh, do đó thí sinh không có khó khăn gì thêm so với trước đây. Một số khó khăn nằm ở khâu ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm và công tác chấm thi của giáo viên.
Ông Trinh cũng nói thêm việc thay đổi thang điểm hướng tới bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Với thang điểm 20, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, có lợi hơn cho học sinh. Về phía các trường ĐH, CĐ, với thang điểm này sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh.
Giải đáp những lo lắng về đề thi năm nay, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, Bộ GD-ĐT - cho biết đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tiếp tục sử dụng các câu hỏi với 4 mức yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như đề thi năm 2014.
Cũng theo ông Chuẩn, đề thi không đặt nặng việc ghi nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn mà yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải biết trả lời câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. “Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng chắc sẽ không có gì bất ngờ đối với thí sinh đã có quá trình học tập bình thường trong năm học” - ông Chuẩn nhấn mạnh.
Không quá lo lắng
Ông Chuẩn cho biết những năm qua, bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Hầu hết các trường đã và đang thực hiện theo hướng dẫn trên của bộ. Thực tế những năm qua, nhất là năm 2014, học sinh đã đáp ứng tốt yêu cầu của đề thi theo hướng đổi mới. Nếu các trường và giáo viên thực hiện tốt hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá của bộ sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của đề thi. Vì vậy, thí sinh không phải quá lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]