Ngày 13/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố quyết định thành lập và cấp phép hoạt động cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP HCM. Đây là đơn vị thứ hai, sau Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, có nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo giáo dục ĐH, TCCN trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các đại biểu góp ý về công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH
5 năm, 95% ĐH phải được đánh giá ngoài
Tại hội thảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục: Con đường hội nhập quốc tế” được ĐHQG TP HCM tổ chức cùng ngày, các chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH trong nước và nước ngoài nhận định kiểm định chất lượng là bước đi hiệu quả để hội nhập quốc tế. Việc này được thực hiện ở cấp chương trình đào tạo, sau đó là cấp cơ sở giáo dục. Thực hiện kiểm định sẽ giám sát được chất lượng, bảo đảm được trách nhiệm giải trình với xã hội, tạo được niềm tin với người học và đặc biệt là đạt được sự công nhận quốc tế.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác kiểm định chất lượng ĐH còn bỏ ngỏ. Việc thành lập 2 trung tâm kiểm định đầu tiên thuộc ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội sẽ góp phần đẩy mạnh công việc quan trọng này.
TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết hiện có 92% trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá và cải tiến chất lượng đã sẵn sàng để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; trên 70% số cơ sở giáo dục ĐH và TCCN có đơn vị chuyên trách về công tác bảo đảm chất lượng, có nhân lực, kế hoạch hằng năm để triển khai công tác bảo đảm chất lượng của nhà trường. Định hướng thời gian tới sẽ đẩy mạnh tiến độ triển khai tự đánh giá vòng 2, 3 các cơ sở giáo dục ĐH, TCCN; triển khai tự đánh giá các chương trình giáo dục ĐH và phấn đấu đến năm 2016-2020 có 95% cơ sở giáo dục ĐH, TCCN và chương trình giáo dục ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và được đánh giá ngoài. Cũng trong giai đoạn trên, 95% cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục được đánh giá ngoài và xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo ông Thanh, ngoài 2 tổ chức kiểm định vừa được cấp phép, thời gian tới sẽ thành lập thêm các tổ chức kiểm định chất lượng nhà nước; sau năm 2015, bắt đầu cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Yếu tố sống còn
Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế Luật - ĐHQG TP HCM, công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định và xếp hạng ĐH đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giáo dục ĐH, là yếu tố sống còn để khẳng định uy tín, vị thế và hội nhập nền giáo dục ĐH toàn cầu. Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn như sự am hiểu về công tác bảo đảm chất lượng chưa sâu, đội ngũ chưa chuyên nghiệp, nguồn tài chính để đầu tư cho những hoạt động cải thiện chất lượng còn nhiều hạn chế.
Nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới, phải khắc phục sự bất cập trong công tác bảo đảm chất lượng, đồng thời phải tìm ra mô hình tốt về bảo đảm chất lượng giáo dục có thể áp dụng; các trường phải trung thực, khách quan, minh bạch, công khai trong việc thực hiện công tác này…
ThS Đinh Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo tiên tiến chất lượng cao và POHE - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đề nghị nên thành lập mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường theo khối ngành như kỹ thuật, kinh tế, quản lý kinh doanh, y - dược… để đưa ra các chuẩn mực chung về kiểm định cho từng khối ngành. “Các trường có chương trình đào tạo gần giống nhau sẽ cần đánh giá theo những chuẩn mực chung mới bảo đảm tính khoa học trong đánh giá” - ThS Dũng cho biết.
TS Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, chỉ ra rằng trong giai đoạn Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, để giáo dục ĐH Việt Nam không bị thất thế thì mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục cần được nghiên cứu một cách cấp bách và nghiêm túc để có thể hoàn thiện theo các chuẩn mực chung của khu vực.
Được phép cấp chứng nhận đạt chất lượng giáo dục
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội sẽ thẩm định các báo cáo tự đánh giá chất lượng, tổ chức đoàn đánh giá ngoài đến đánh giá thực địa tại cơ sở giáo dục.
Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của 2 trung tâm này sẽ thẩm định chất lượng của chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục căn cứ trên báo cáo tự đánh giá và báo cáo của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Nếu cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng, hội đồng sẽ đề nghị với giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ra quyết định và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho cơ sở giáo dục đáp ứng đủ điều kiện quy định.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]