Tiết học Âm nhạc của lớp 3A5, Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ dưới sự tham gia hướng dẫn của phụ huynh Phạm Văn Hợp
Vai trò của phụ huynh
Tiết học Âm nhạc của 3A5 - Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai) thật đặc biệt. Người đang trực tiếp tham gia hướng dẫn các em học sinh thẩm âm tiết tấu và luyện thanh không phải là giáo viên trong trường mà chính là một phụ huynh – anh Phạm Văn Hợp.
Không khí lớp học thật sôi nổi, cả người dạy và người học đều hòa chung một nhịp rồi cất cao tiếng hát về quê hương Lào Cai.
Qua tìm hiểu được biết, anh Hợp từng học về thanh nhạc vì vậy hàng tuần anh thường dành ít nhất 1 buổi để vào dạy học miễn phí môn học này cho các em học sinh của nhà trường.
Anh hợp tâm niệm: “Trách nhiệm giáo dục con cái không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường mà phụ huynh cần phải đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con cái. Nhất là đối với trường VNEN thì sự tham gia của phụ huynh càng có ý nghĩa và quan trọng hơn bao giờ hết”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Bùi Thị Kim Chi – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ trao đổi: Đúng là vai trò của phụ hunh quan trọng thật và đóng góp rất lớn vào chất lượng giáo dục – đào tạo toàn diện của nhà trường.
Đơn cử như việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp của nếu như không có sự tham gia hưởng hưởng ứng của phụ huynh thì rất khó để nhà trường có thể tổ chức được.
Ví dụ như tổ chức cho các em “ngày hội vào bếp”, hay như dạy học sinh cắm hoa, làm thiếp chúc mừng v.v… các hoạt động này đều có sự tham gia tích cực của các bậc phụ huynh.
Kết quả từ cho thấy, khi phụ huynh cùng với giáo viên tham gia hướng dẫn thì những kỹ năng và bài tập về vận dụng của các em được hình thành rất nhanh.
Tương tự tại Trường tiểu học Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh), dù không phải là trường được hỗ trợ triển khai mô hình VNEN của Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam nhưng nhà trường vẫn áp dụng mô hình này.
Theo cô Dương Thị Hồng Vân – Hiệu trưởng nhà trường để làm được điều này có sự đóng góp không nhỏ của phụ huynh học sinh.
Cô Vân cho hay: Sau khi trực tiếp tham dự các tiết học VNEN, tận mắt chứng kiến con em mình tự tin, hoạt bát, tiến bộ hàng ngày và thực sự là trung tâm của lớp học, vậy là phụ huynh đã quyết tâm xắn tay cùng với nhà trường áp dụng thực hiện mô hình trường học mới.
Họ chỉ là những người nông dân, ngư dân thuần túy nhưng nhận thấy những ưu việt của mô hình VNEN nên họ sẵn sàng đóng góp ngày công, vật chất và trí tuệ để cùng với nhà trường để triển khai thực hiện mô hình này với mong muốn con em mình được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất của giáo dục.
Nhiều lớp thiếu bàn ghế, họ đề nghị được mua sắm ủng hộ nhà trường. Lớp nào thiếu công cụ hỗ trợ học tập phụ huynh sẵn sàng mang đến tặng cho nhà trường để bổ sung vào lớp đó.
Ví dụ một số dụng cụ của ngư dân đi biển, hoặc những sản phẩm nông nghiệp, các vật dụng truyền thống của ngư dân v.v…
Cảm động nhất là khi sân trường bị xuống cấp thì các bậc phụ huynh đã tình nguyện đóng góp ngày công, kinh phí để xây dựng lại. Từng viên gạch, từng lối đi đều thấm đượm những giọt mô hôi của bậc phụ huynh.
“Nói như vậy để thấy rằng phụ huynh có vai trò quan trọng như thế nào với một trường nhân rộng mô hình VNEN như chúng tôi. Đúng là “khó trăm lần dân liệu cũng xong” – Cô Vân bộc bạch.
Không còn tâm lý “trăm sự nhờ thầy”
Góc cộng đồng của lớp 4A Trường tiểu học Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) được phụ huynh tặng nhiều nông sản và các dụng cụ ngư nghiệp
Ngay như tại Hà Tĩnh, từ một trường duy nhất được Dự án VNEN tài trợ nhưng đến nay Hà Tĩnh lại là một trong những tỉnh được xếp vào nhóm nhân rộng được mô hình trường học mới (VNEN) nhiều nhất của cả nước.
Năm học 2014 -2015, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 48/267 trường học triển khai mô hình VNEN. Để có được kết quả này, Bà Nguyễn Thị Hải Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của phụ huynh.
Nếu như không có sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh thì VNEN khó có thể thực hiện được, nhất là ở những trường trong diện nhân rộng.
Ngoài sự hỗ trợ về kinh phí, vật chất, ngày công lao động, ở các trường học VNEN phụ huynh còn đồng hành với giáo viên tham gia giáo dục các con em mình ngày tại nhà trường thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Với VNEN, phụ huynh đã thoát khỏi tâm lý “trăm sự nhờ thầy” như trước đây”.
Liên quan đến câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Ở mô hình VNEN, sự hỗ trợ của phụ huynh không chỉ dừng lại ở việc đóng góp hỗ trợ về kinh phí, mà cần hình thành thói quen "làm bạn cùng con" trong việc học, nhất là việc hỗ trợ các con giải quyết các bài tập ứng dụng.
Qua đó nhằm nâng kỹ năng quản lý, xử lý tình huống, phát huy phẩm chất và năng lực cá nhân trong từng em học sinh.
"Đặc điểm của VNEN là đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, đổi mới nhà trường, cách thức tổ chức lớp học, sự tham gia của phụ huynh học sinh và cộng đồng...
Mô hình hiện thực hóa phương châm "lấy học sinh làm trung tâm" trong hoạt động dạy học.
Vì vậy bài học của các em không chỉ có phần lĩnh hội kiến thức mới, mà còn có phần để các em thực hành kiến thức và ứng dụng.
Do đó rất cần sự tham gia, đồng hành của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục toàn diện cho con em mình”
Bà Nguyễn Thị Hải Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]