GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Phân luồng sớm phải chấp nhận học lệch
Phân luồng sau THCS, tăng cường định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT là những vấn đề, theo tôi, cần tập trung nghiên cứu. Ở Đức học tiểu học 6 năm, sau đó bắt đầu phân luồng học sinh.
Có ba loại trường trung học: 6 năm, 5 năm, 4 năm và đều được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Loại 6 năm chỉ dành cho những em giỏi và học hàn lâm để vào ĐH, 5 năm vào CĐ nghề, 4 năm vào công nhân cấp kỹ thuật. Phân luồng này do nhà trường tư vấn và sự lựa chọn của phụ huynh. Các trường đều có tiêu chuẩn. Học sinh học các trường đã chọn và được chọn không thể kêu quá tải.
Học sinh lớp 9/3 Trường THCS Ba Đình, quận 5, TP HCM trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tại sao các nước châu Âu vẫn thu hút nhiều học sinh học nghề? Vì học nghề ra trường nếu tay nghề cao vẫn có lương cao. Trong khi đó ở Việt Nam tất cả đổ xô vào ĐH vì ĐH mới xin được việc, còn trung cấp nếu xin được việc thì lương thấp. Rõ ràng khi thiết kế lại cấu trúc nền giáo dục quốc dân, việc này cần phải được làm rõ.
Tôi nghĩ đến THCS phải phân luồng ngay và có nhiều loại trường phù hợp với năng lực của học sinh. Nhưng sẽ phải chấp nhận chuyện học lệch. Lên đến THPT học lệch cũng không vấn đề gì. Mỗi người có sở trường riêng. Nếu không học lệch thì không có người giỏi, xuất sắc ở những lĩnh vực khác nhau.
Việc thiết kế chương trình giáo dục THPT theo hướng phân hóa là cần thiết. Nhưng trước hết Chính phủ phải có chương trình tổng thể giáo dục mầm non làm gì, phổ thông làm gì, dạy nghề thế nào, ĐH thế nào...
Sau đó xác định mỗi đề án cụ thể cần bao nhiêu tiền, tác động xã hội như thế nào, lựa chọn cái gì làm trước, cái gì sau. Nếu tập trung chuyện này tuy lớn có lớn, nhưng so với cái chung vẫn là nhỏ. Khâu trọng yếu nhất trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ĐH và dạy nghề. Đây là việc cần phải tập trung nghiên cứu kỹ.
Lữ Trọng San (lớp K9 - lắp đặt thiết bị cơ khí Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội): Đáng lẽ chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian, tiền bạc...
Hiện tôi học tại trường nghề và thật sự thấy cũng rất tiếc, vì nếu được phân luồng sớm thì bản thân đã có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi định hướng nghề rõ ràng.
Có thể với các gia đình có điều kiện, việc học thêm vài năm phổ thông rồi sau đó chọn học nghề hay học ĐH tiếp không phải là vấn đề, nhưng với những gia đình khở khăn thì phân luồng sớm, định hướng nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp tiết kiệm chi phí học tập, đồng thời giúp người học có cơ hội được làm nghề sớm để giúp đỡ gia đình.
Đáng lẽ học hết lớp 9 đã có thể theo học trung cấp, trung cấp nghề, nhưng lâu nay không ít bạn bè tôi học hết THPT rồi xoay trở lại học nghề một cách lãng phí.
Tuy nhiên, khi nghe thông tin trong những năm tới Việt Nam thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm và phân luồng mạnh sau THCS, tôi có băn khoăn liệu với độ tuổi 15 thì học sinh có thể định hướng được nghề nghiệp chưa?
Thực tế hồi còn học phổ thông, phải đến lớp 12 tôi mới xác định định hướng nghề nghiệp sau này cho mình. Nhớ hồi THCS, các thầy cô phân hóa học sinh theo các nhóm khá - giỏi, yếu - kém, nhưng phân hóa là để có phương pháp giảng dạy phù hợp, bồi đắp hoặc nâng cao kiến thức cho chúng tôi đáp ứng việc hoàn thành cấp học THCS và thi tuyển vào THPT, chứ hoàn toàn không phải định hướng người nào nên học nghề, người nào có thể tiếp tục theo học THPT, rồi vào ĐH.
Vì vậy, theo tôi, nếu muốn thực hiện phân luồng hiệu quả thì giáo dục trên nhà trường phải có sự thay đổi mạnh mẽ, giúp học sinh hoàn tất 9 năm không chỉ đủ kiến thức cơ bản để sẵn sàng phân luồng, mà còn trang bị cho học sinh những kỹ năng đủ để có thể tự tin chọn, định hướng nghề nghiệp bên cạnh sự định hướng duy nhất của gia đình như bấy lâu nay với lứa tuổi mà mọi người vẫn cho rằng “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, Hà Nội: Cần bổ sung văn hóa và kỹ năng cho học sinh THCS Nếu xác định học sinh phổ thông học xong chương trình 9 năm là xong giai đoạn giáo dục cơ bản thì cần phải điều chỉnh yêu cầu, nội dung chương trình môn học, làm sao để học sinh sau khi học xong 9 năm được trang bị văn hóa tối thiểu nhất về mọi lĩnh vực, đồng thời có được những kỹ năng cần thiết để có thể bước vào cuộc sống, tham gia thị trường lao động nếu như các em không có điều kiện học tiếp lên cao. Chương trình giáo dục hiện hành cũng đã đặt ra vấn đề phân luồng sau THCS nhưng hiệu quả thấp. Học sinh tiểu học, THCS phải học một chương trình với nhiều kiến thức còn hàn lâm quá, xa rời cuộc sống, không thật sự cần thiết cho cuộc sống của người học, cũng không chú trọng trang bị cho người học những kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tối thiểu. Môn nghề phổ thông ở bậc THCS và cả THPT chỉ mang tính hình thức, đối phó, không có hiệu quả. Nếu làm một khảo sát với giáo viên, học sinh phổ thông, tôi chắc chắn 90% số người được hỏi sẽ cho rằng học nghề phổ thông chỉ nhằm mục đích cộng điểm trong các kỳ thi phía trước. Bởi vậy, học sinh đều chọn môn nghề dễ có điểm, dễ có điểm giỏi. Học xong không nắm được kỹ năng cơ bản của nghề, cũng không dùng vào việc gì. Xét ở khía cạnh lý thuyết, nghề phổ thông là tốt nhưng trên thực tế đây là môn học cần bỏ nếu ở chương trình mới vẫn tái diễn cách làm như hiện nay. Một trong những nguyên do khiến phân luồng sau THCS yếu là hệ thống trường nghề không thu hút được người học do chưa mở ra được những nghề thiết thực, có chất lượng, hệ thống tuyên truyền, dự báo cơ hội việc làm sau học nghề hạn chế, cơ chế tuyển dụng lao động không hợp lý khi ở đâu cũng đòi hỏi có bằng ĐH, trong khi yêu cầu công việc chỉ cần người có tay nghề tốt. Đây là những vấn đề phải khắc phục mà không chỉ một ngành GD&ĐT có thể làm được. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]