Học tiếng Việt bằng cách… vẽ truyện tranh!
“Mẹ em năm này 32 tuổi, làm quản lý. Mẹ em cũng không xinh lắm. Nhưng em vẫn yêu mẹ, mẹ em là người rất hiền lành. Khi đi làm về mẹ em rất vui tươi. Cả nhà ai cũng yêu mẹ”. Bài làm văn tả mẹ của em Vũ Hiển Minh, lớp 2A8 trường Tiểu học Vinschool khiến ai đọc cũng thấy đáng yêu. Hơn nữa bài viết còn đính kèm chân dung của chính “nhân vật mẹ” do em tự vẽ.
Đây là một phần trong bài tập viết văn của các em học sinh lớp 2A8 tại Vinschool với đề tài “My love – Tình yêu của tôi”. Với đề bài này, các em sẽ viết một đoạn văn ngắn tả mẹ cũng như tự tay vẽ chân dung mẹ mình.
“Để giúp các em yêu thích học tiếng Việt, tôi luôn cố gắng lồng ghép nhiều trò chơi, sở thích như vẽ, đóng kịch,…của trẻ vào các hoạt động giúp các em vừa học vừa chơi; sẽ khiến các em yêu thích cũng như vận dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ trong cuộc sống hằng ngày.
Hay như bài văn tả mẹ này, tôi cũng đưa hình vẽ, tô màu và cả một chút tiếng Anh nữa để các em thấy đây như một trò chơi nhiều màu sắc”, cô giáo trẻ Cẩm Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8, Trường Tiểu học Vinschool chia sẻ.
Bên cạnh việc học tiếng Việt theo kiểu vẽ truyện tranh, giờ học của học sinh lớp 2A8 còn đầy thú vị học sinh vừa học từ vừa chơi trò Bingo ghép câu vẽ tranh minh họa; lồng ghép gameshow Ơn giời cậu đây rồi khi cô giáo đóng vai Trưởng phòng để giúp các con nhớ lại các bài tập đọc hay mở rộng không gian học tập khi học sinh được ra sân trường để làm bài tập trên nền gạch.
Chuyện Thỏ - Rùa phiên bản 2014
Trong tiết học về Đại từ tại trường Tiểu học Vinschool, thay vì cô giảng trò chép và hoàn thành các bài tập trong sách giáo khoa thì sau khi học phần lý thuyết, cô giáo đã dẫn dắt các em bước vào nhiều hoạt động đa dạng. Giờ học đặc biệt sôi nổi với những sáng tạo bất ngờ từ cô giáo với câu chuyện Thỏ và Rùa phiên bản 2014.
Thay vì Thỏ chủ quan, Rùa cần mẫn nhưng chỉ biết làm việc một mình trong một câu chuyện ngụ ngôn mang tính “ăn thua” thì trong tiết học tại Vinschool, câu chuyện cổ tích được kể dưới một góc nhìn mới, Thỏ và Rùa đã biết cùng hợp lực đi về đích bằng nội dung: “Thỏ cõng Rùa chạy đến bờ sông rồi sau đó Rùa lại cõng Thỏ để bơi qua sông, sang đến bờ bên kia, Thỏ vui vẻ cõng Rùa để chạy về đích. Cả hai đều vui sướng nhận ra rằng khi hợp tác với nhau sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi cá nhân và cả hai cùng đạt kết quả tốt đẹp.”
Trong các bức tranh minh hoạ cho câu chuyện Thỏ - Rùa, cô giáo để trống những phần có đại từ nhân xưng để học sinh tự tìm và điền vào. Nội dung đầy bất ngờ này khiến các em học sinh lớp 5A4 hồi hộp theo dõi và hào hứng trước một tiết học rất “khoai” về Đại từ xưng hô cũng như học được tinh thần “cùng thắng” để cùng đạt tới thành công.
Bên cạnh hình thức trên thì những giờ học tiếng Việt còn được “làm mới” bằng cách được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa, nơi các em hóa thân thành các nhân vật sinh động hay diễn ra dưới dạng làm việc nhóm, thảo luận và thuyết trình… Sự sáng tạo trong cách tiếp cận của cô giáo sẽ giúp học sinh tự khám phá để rút ra bài học một cách tích cực chứ không thụ động.
Từ những cách tiếp cận sáng tạo trong việc giảng dạy, các cô giáo đã giúp các em học sinh trở nên yêu thích và sử dụng thành thạo chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong cuộc sống hằng ngày; tạo nền tảng vững chắc cho những cấp học cao hơn.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]