Vừa qua, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, danh sách bảng vàng của trường THPT Kim Liên được đăng tải trên website kiến nhiều người bất ngờ.
Ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú Việt Nam đầu tiên được tạp chí Forbes vinh danh là một trong những học sinh thành đạt của THPT Kim Liên.
Bên cạnh đó, những người nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực như NSND Nguyễn Thị Lan Hương, nhạc sĩ Trương Quý Hải, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, BTV Trịnh Long Vũ, MC Trần Ngọc, diễn viên Thanh Vân Hugo, Á hậu Dương Tú Anh… cũng là cựu học sinh trường Kim Liên.
Thầy Nguyễn Thiết Sơn - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về những bài viết trong cuốn kỷ yếu.
Điều đặc biệt, thầy Sơn cho hay, tất cả những người thành đạt trên đều tự hào là học sinh trường Kim Liên nhưng đã từ chối được vinh danh vì cho rằng bản thân còn nhỏ bé, những người đáng được tôn vinh là thầy cô trong trường.
“Điều này thể hiện cái tâm của học trò, rất chân thực và đáng quý. Chúng tôi đã xin phép và thuyết phục cựu học sinh vì đây là việc quan trọng nhằm nêu gương cho lớp thế hệ sau này".
Trong danh sách học sinh thành đạt, không ít người là bạn bè, học trò của thầy Sơn. Thầy hiệu trưởng nhắc tên ca sĩ Phương Thảo đã từng được thầy đưa đi thi Giọng hát hay. Hay cậu học trò Đỗ Đức Hoàng hiếu động, đen nhẻm ngày nào hiện là Phó Trưởng Ban Truyền hình đối ngoại.
Thầy Sơn kể lại: “Có một ngày tôi nhận được số điện thoại lạ từ nước ngoài, giọng người trẻ cất lên, là Hoàng. Em cho biết vừa có một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa 7 người trên đất Mỹ lại có đến 5 người là cựu học sinh trường Kim Liên. Tôi rất vui vì gặp nhau ở đất nước xa lạ đã khó, lại còn cùng trường cũ".
“Ngày Hoàng còn là BTV dẫn chương trình Chào buổi sáng tôi có theo dõi trên tivi và nhắc nhở với cậu học trò: “Make up thì sáng nhưng nói năng còn lập bập, Hoàng ạ”.
Thầy Sơn vẫn luôn quan tâm, theo dõi học sinh trên truyền thông như vậy để xem đời sống của các em ra sao, có suy nghĩ gì. Những khoảnh khắc thầy trò tình cờ gặp gỡ, một cái ôm hay tiếng gọi "bố" cất lên luôn khiến thầy cảm động.
Là người đứng đầu nhà trường, thầy Sơn chia sẻ điều đã làm nên một Kim Liên rạng danh: "Giáo viên trong trường rất tận tâm, tận lực. Các em học sinh càng năng động, tài năng. Bên cạnh đó, mối quan hệ gắn bó giữa các thế hệ học sinh luôn bền chặt".
Người thầy được học sinh gọi là “ma xó”, “xe ôm”
Thầy giáo Nguyễn Thiết Sơn là cựu học sinh khóa 1 trường THPT Kim Liên. Đến năm 1990 thầy được chuyển công tác về ngôi trường này và từ năm 2007 đến nay giữ vị trí hiệu trưởng. Thầy Sơn cho rằng, gắn bó với Kim Liên là may mắn lớn nhất trong sự nghiệp giáo dục của thầy.
Đứng đầu một ngôi trường có nhiều học sinh thành đạt là điều luôn khiến thầy tự hào. Thầy hiệu trưởng chia sẻ: “Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2008 cho đến nay, Kim Liên luôn đứng trong top 50 trường có tỷ lệ đỗ đại học cao nhất (trong gần 3000 cơ sở giáo dục và 70 trường chuyên”.
Thầy hiệu trưởng và Á hậu Dương Tú Anh.
Thầy hiệu trưởng được học sinh thân mật gọi với biệt danh “ma xó”, “xe ôm” vì lý do: “Học sinh nói chuyện gì tôi cũng biết, ở đâu tôi cũng biết. Chính vì vậy không có em nào nói dối hay giở chiêu trò được với tôi cả".
Nói không với các lệnh cấm, phương pháp ép buộc, thầy Sơn luôn tâm sự với học trò như một người cha, người anh lớn. Thầy kể lại: “Có học sinh không mặc đồng phục, giáo viên chủ nhiệm không nói được. Tôi chỉ nhẹ nhàng bảo: "Bộ quần áo này em mặc rất đẹp nhưng nếu đây là buổi dạ hội. Còn ở lớp em mặc trang phục này thầy thấy rất bất tiện. Em mặc đẹp quá, con trai không học được, sẽ quay sang trêu khiến em mất tập trung”. Sau lời chia sẻ, học sinh này luôn mặc đúng đồng phục của nhà trường".
Thầy hiệu trưởng luôn thấy mình học được nhiều ở trò: "Khi dạy Toán, chấm bài của các em tôi bổ sung thêm được cách giải mới và nhìn nhận vấn đề đa chiều".
“Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường vừa qua, tôi học được ở các em cách làm việc chuyên nghiệp. Tôi thường nói đùa: “Các con giỏi hơn thầy rồi” khi thấy học trò làm hồ sơ, thương thảo khi đi xin tài trợ. Học sinh trong trường còn mở ra cuộc thi Từ nhà ra ngõ với loạt câu hỏi thú vị như: Thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường tên là gì? Tiếng trống đánh giữa giờ một hồi có bao nhiêu tiếng? Một bát mì ở căng-tin bao nhiêu tiền?...”.
Trong nghề giáo, thầy Sơn đề cao sự chân thật, thẳng thắn khi giao tiếp với học trò. “Nếu tôi nói “để thầy xem” thì sẽ luôn trả lời, nói “thầy không làm được” không e ngại vì đâu phải ai cũng là người toàn tài. Bản thân mình phải chân thật mới không mất đi sự tin tưởng ở học trò".
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]