Theo tìm hiểu của PV báo Đời Sống và Pháp Luật, những trường thu sai quy định, sau khi được người dân phản ánh thì lên tiếng "xin" dân (?), dân không cho thì nhà trường hứa trả lại. Đầu năm học vừa qua, không ít học sinh trường THPT Phạm Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên TP. Hải Phòng lại giật mình khi biết thông báo thu tiền tạm thu tới hơn 1 triệu đồng, trong đó chủ yếu thu tiền đồng phục với... 8 loại đồng phục(!?).
Kỷ lục đồng phục ở Việt Nam?
Nhìn vào các loại đồng phục dành cho các em học sinh như: Quần áo đồng phục thông thường; quần áo đồng phục dài tay; áo đồng phục ngắn tay; đồng phục thể dục; đồng phục an ninh Quốc phòng... nhiều người sẽ không khỏi giật mình tự hỏi sao nhiều đồng phục đến thế... Trong thông báo nhập học gửi tới học sinh lớp 10 của trường THPT Phạm Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, các khoản "tạm thu" (chưa bao gồm học phí và quỹ xã hội hóa cho xây dựng trường) lên tới 1.800.000 đồng/học sinh.
Trong đó, trường THPT Phạm Ngũ Lão quy định tới 8 loại đồng phục tương đương với 10 chiếc quần áo đồng phục cho 1 năm học. Tổng số tiền quần áo đồng phục của các em đầu năm lên tới 1.220.000 đồng.
Trường THPT Phạm Ngũ Lão không bắt buộc phải mua quần áo đồng phục nhưng lại có những quy định về đồng phục rất chặt chẽ.
Chị Ph.T.T.T., có con gái học lớp 10 trường THPT Thủy Sơn, Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng cho biết: "Các khoản thu đầu năm của nhà trường không nói làm gì, nhưng có một khoản thu gọi là xã hội hóa việc xây dựng nhà trường. Tức là trước đây, nhà trường nợ tiền xây dựng hoặc tiền gì đó, nhưng giờ không được thu tiền xây dựng. Phụ huynh đi họp đầu năm, được đưa tờ giấy thông báo tiền xã hội hóa xây dựng, với số tiền là hơn 200.000 đồng. Không phụ huynh nào cầm tờ thông báo đó mà lại không đóng. Tuy nhiên, khoản đóng này tôi biết là không nhất thiết phải đóng. Xã hội hóa, tự nguyện nhưng đố phụ huynh nào dám không đóng".
Trao đổi với PV về khoản thu đồng phục quá "khủng" của trường THPT Phạm Ngũ Lão, hiệu trưởng của trường, ông Nguyễn Văn Năng cho biết: "Đây là các khoản tạm thu. Đồng phục thì có học sinh mua, học sinh không mua, chúng tôi đưa ra như thế thôi. Có những học sinh mua đủ, thậm chí mua 12 - 13 bộ quần áo; có những học sinh không mua đủ, không bắt buộc các em phải mua". Tuy nhiên, ông Năng cũng cho biết, nhà trường có các quy định rất chặt chẽ về đồng phục trong nhà trường. Học sinh Đ.T.A., lớp 10 của trường THPT Phạm Ngũ Lão cho biết: "Nếu chúng em không mặc đúng đồng phục quy định sẽ bị phạt".
Liên quan đến vấn đề quỹ xây dựng xã hội hóa của trường THPT Phạm Ngũ Lão, thông báo của nhà trường thu quỹ là hơn 600.000 đồng/học sinh lớp 10 mới vào trường. ông Nguyễn Văn Năng cho biết: "Đây cũng là quỹ tự nguyện. Có phụ huynh học sinh ủng hộ lên tới 1 triệu đồng; có phụ huynh ủng hộ 100.000 đồng; có phụ huynh không ủng hộ cũng không sao. Khi tôi tiếp quản trường, trường nợ đến hơn 6 tỉ đồng? Tôi thu như vậy và đã trả nợ được hơn 2 tỉ đồng rồi, hiện nhà trường còn nợ tới trên 4 tỉ đồng". Theo lời của thầy giáo hiệu trưởng trường THPT Phạm Ngũ Lão thì việc xây dựng cơ sở vật chất của trường nợ từ những năm 2006. Cho đến nay, mỗi học sinh vào trường sẽ phải gánh một khoản nợ "tự nguyện". Tất cả các khoản thu, chi của trường đều được thông qua phụ huynh học sinh.
Thông báo thu tiền tạm thu đầu năm (chưa bao gồm học phí và quỹ xây dựng xã hội hóa tự nguyện) của trường THPT Phạm Ngũ Lão.
Cười ra nước mắt và bài học... luôn mới
Đơn kiến nghị của nhân dân xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng gửi đến báo Đời Sống và Pháp Luật về việc thu tiền đầu năm sai ở trường mầm non xã Cao Minh có phản ánh: Trong năm học 2012 - 2013, trường mầm non xã Cao Minh thu học phí 5 tháng đầu năm là 750.000 đồng/5 tháng (tương đương 150.000 đồng/tháng); sang kỳ 2, trường mầm non xã Cao Minh tiếp tục thu của học sinh 150.000 đồng/tháng.
Trên thực tế, các cháu mầm non chỉ phải đóng 78.000 đồng/tháng cho học kỳ 2 theo văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng. Khi tổng kết cuối năm học 2012 - 2013, nhà trường không thanh toán trả lại số tiền thừa mà nhà trường thu quá của phụ huynh học sinh. Thậm chí, đầu năm học 2013 - 2014, phụ huynh học sinh ở xã Cao Minh đưa con em đến trường mầm non xã để đi học thì được giáo viên của trường công bố: Các cháu nào chưa nộp tiền học phí nhà trường không nhận các cháu vào lớp. ông Vũ Nhân Khanh, 75 tuổi ở thôn 1, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo kể lại: "Tôi bằng này tuổi mà đưa cháu đến lớp bị cô đuổi về vì chưa có tiền đóng học phí. Lúc đó, gia đình có được thông báo là đóng học phí đầu năm đâu. Thế mà họ đuổi ông cháu tôi lủi thủi về. Các gia đình ở đây đều bị như thế".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: "Có chuyện trường mầm non xã Cao Minh thu "thừa" của phụ huynh năm học 2012 - 2013 và cũng có chuyện các cô không thông báo thu học phí đầu năm 2013 - 2014 mà đã đuổi phụ huynh học sinh ngay ngày đầu đi học vì phụ huynh không biết thu học phí đầu năm. Chúng tôi đã yêu cầu giáo viên của trường xin lỗi nhân dân và cũng đã đứng ra làm trọng tài để nhà trường trả lại số tiền thu thừa của phụ huynh học sinh". Tuy nhiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Bảo, ông Phạm Hữu Toán khẳng định, việc thu tiền và trả lại tiền thừa của UBND xã Cao Minh cho các phụ huynh thì phòng GD&ĐT không biết gì.
Ông Phạm Hữu Toán lý giải cho "sự cố hi hữu này" là do: "Khoản thu sai, thu thêm của các trường là bởi trước đây các trường hoạt động theo cơ chế công lập. Sau đó, khi có quyết định chuyển trường công lập thành trường bán công một phần thì hướng dẫn của UBND TP rất mơ hồ... Tiếp đó, các quyết định thu tiền đầu năm như thế nào lại ra sau thỏa thuận thu tiền của nhà trường với phụ huynh. Tức là trước khi có quy định thu đầu năm của mầm non không quá 140.000 đồng/tháng thì các khoản thu nhà trường và phụ huynh đã thỏa thuận rồi. Đến khi có quyết định, nhân dân phản ánh, UBND huyện yêu cầu các trường một là trả lại nhân dân, nếu không trả lại thì trừ thu vào kỳ sau. Tuy vậy, các cô lại chi hết rồi. Có trường "xin" nhân dân, thì dân cho khoản đó; Tuy nhiên có trường "xin" nhưng một số người dân lại không đồng ý cho. Như trường mầm non Hưng Nhân hay trường mầm non 20/8 là điển hình".
Cũng theo ông Toàn, việc số tiền thu sai quy định của hơn 30 trường mầm non trên địa bàn huyện những năm học trước là do... hiềm khích cá nhân của một số phụ huynh (?!). Các trường tổ chức họp phụ huynh "xin" nhân dân số tiền thu quá, trong biên bản họp có ghi là 100% nhất trí, nhưng thực tế không phải tất cả đều đi họp. Những số này chỉ vì ý kiến cá nhân mà viết đơn kiến nghị (?!). Đơn thư như vậy, giải quyết đi, giải quyết lại rồi cũng ổn thôi!
Đầu năm học 2014 - 2015, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, Nguyễn Trọng Nhưỡng ra một công văn 828/CVUBND, ngày 8/9/2014 về việc thực hiện các khoản thu năm 2014 - 2015, tránh tình trạng lạm thu, thu sai quy định như năm học 2013 - 2014. Trong đó hướng dẫn: Không thu dồn ép nhiều khoản thu vào đầu năm học; Phổ biến cho phụ huynh các khoản thu đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định; Công khai triệt để các khoản thu bằng văn bản đến cha mẹ học sinh.
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]