Quy định về bãi bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học đã chính thức được thực hiện được gần 2 tuần nay, thế những xung quanh vấn đề này lại nảy sinh nhiều bất cập, giáo viên quá tải với những nhận xét từng bài, chữa từng lỗi cho học sinh.
Để “đối phó” thay thế chấm điểm, nhiều giáo viên tiểu học có những sáng kiến như đóng dấu cô khen, hình mặt cười, thưởng hoa giấy... khi học sinh làm bài tốt.
Quy định không chấm điểm khiến nhiều giáo viên Tiểu học dùng "cộp dấu" thay vì viết nhận xét. Ảnh: Q.Huy
Qua khảo sát của PV GiadinhNet, để đáp ứng nhu cầu của giáo viên, nhà trường hiện nay, các công ty khắc dấu đã làm ra một loạt mẫu từ mặt cười đến bông hoa điểm hay ngôi sao thay cho nhận xét vào vở học sinh... Những mẫu được các giáo viên, nhà trường đặt hàng khá đa dạng với hàng chục mẫu khác nhau, chủ yếu là mẫu dấu về khen, khích lệ học sinh.
Lý giải vì sao nhiều giáo viên phải lựa chọn dấu, bà Đoàn Thị Mai - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Bỏ chấm điểm, giáo viên sẽ rất vất vả vì vừa phải chấm bài, chữa bài lại nhận xét vào vở, sổ theo dõi… giáo viên còn liên tục nhận cuộc gọi của phụ huynh hỏi thăm tình hình học tập của con. Rõ ràng là vất vả hơn trước. Giáo viên cần nêu cao tinh thần làm việc của mình, quan tâm hơn đến từng học sinh, bố trí thêm thời gian làm nhận xét cho từng học sinh, thường xuyên phúc đáp cho phụ huynh”.
Còn theo một số giáo viên dạy tiểu học ở Hà Nội, việc ghi nhận xét cho từng học sinh hiện nay cũng rất vất vả, mất công, trong khi sĩ số học sinh ở nhiều trường trên 50 cháu/lớp. Vì thế, khắc sẵn lời nhận xét vào con dấu để “cộp” vào vở học sinh sẽ nhanh hơn... Thực tế cho thấy, nhiều nước cũng đã có hình thức “cộp” dấu đối với học sinh thay bằng điểm số, được học sinh và phụ huynh đón nhận một cách tích cực.
Những mẫu được các giáo viên, nhà trường đặt hàng khá đa dạng.
Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh, chuyên gia lo ngại về “sáng kiến” này, bởi việc đánh giá học sinh dễ rơi vào hình thức “đối phó”, giáo viên chưa thế sát sao tới từng em… PGS Văn Như Cương cho rằng: “Cách đánh giá bằng dấu, nhận xét có thể biến thành hình thức, rập khuôn khi sử dụng những lời phê chung chung, chiếu lệ em nào cũng có thể giống nhau... Học sinh cũng cần biết mình ở mức độ nào để cố gắng, được cảm thấy động viên, khích lệ thật sự qua đó quen dần với việc không chấm điểm”.
“Quan trọng là, lời nhận xét đó phải xuất phát từ sự quan sát cẩn thận, quan tâm của giáo viên chứ không phải là đối phó với quy định của Bộ GD&ĐT. Việc lựa chọn lời nhận xét còn cho thấy tâm huyết của người thầy, quan tâm đến học sinh thế nào. Theo tôi, cấp tiểu học bỏ chấm điểm nhưng các cấp học trên vẫn chấm điểm, như vậy các em chuyển cấp sẽ rất khó khăn, vì thế có thể từ lớp 4 vẫn duy trì cả cho điểm, cả nhận xét” - PGS Văn Như Cương chia sẻ thêm.
Theo ghi nhận của PV GiadinhNet, hầu hết các giáo viên vẫn duy trì “cộp dấu” và nhận xét viết tay vào vở học sinh, không chấm điểm điểm giáo viên cũng chủ động gặp gỡ phụ huynh để trao đổi, bố trí thêm thời gian kèm cặp con tại nhà. Sổ liên lạc điện tử cũng là một kênh thông tin để phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con, mạnh - yếu ở điểm nào để khắc phục cùng nhà trường.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ không cấm giáo viên đóng dấu thay lời phê nhưng không nên lạm dụng. Vì như vậy sẽ khiến giáo viên máy móc, lời phê khô cứng, làm sai lệch ý nghĩa trong việc giáo dục học sinh.
Dù còn nhiều băn khoăn trong việc nhận xét hay “cộp dấu” trong các trường tiểu học hiện nay, thế nhưng có thể thấy rằng hiệu quả tích cực của việc làm này, học sinh cũng đã giảm được áp lực, phụ huynh lẫn giáo viên cũng đã tăng cường phối hợp, quan tâm nhiều hơn đến chuyện học tập của học sinh.
Theo Giadinh.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]