Người học không chỉ tập trung vào hoạt động học tập mà còn tạo hứng thú cho hoạt động đánh giá, đặc biệt ở đây là sự tự đánh giá…
Hình dung về hồ sơ học tập
Giảng viên Nguyễn Nam Phương (Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết, có thể phân chia hồ sơ học tập thành 4 loại:
Hồ sơ tiến bộ: Bao gồm những bài tập, các sản phẩm người học thực hiện trong quá trình học và thông qua đó, người dạy, người học đánh giá quá trình tiến bộ mà người học đã đạt được.
Để thể hiện sự tiến bộ, người học cần có những minh chứng như: Một số phần trong các bài tập, sản phẩm hoạt động nhóm, sản phẩm hoạt động cá nhân (giáo án cá nhân), nhận xét hoặc ghi nhận của thành viên khác trong nhóm.
Hồ sơ quá trình: Là hồ sơ tự theo dõi quá trình học tập của người học, học ghi lại những gì mình đã học được hoặc chưa học được về kiến thức, kỹ năng, thái độ của các môn học và xác định cách điều chỉnh như điều chỉnh cách học, cần đầu tư thêm thời gian, cần sự hỗ trợ của giảng viên hay các bạn trong nhóm…
Hồ sơ mục tiêu: Người học tự xây dựng mục tiêu học tập cho mình trên cơ sở tự đánh giá năng lực bản thân. Khác với hồ sơ tiến bộ, hồ sơ mục tiêu được thực hiện bằng việc nhìn nhận, phân tích, đối chiếu nhiều môn với nhau.
Từ đó, người học tự đánh giá về khả năng học tập của mình nói chung, tốt hơn hay kém đi, môn học nào còn hạn chế…, sau đó, xây dựng kế hoạch hướng tới việc nâng cao năng lực học tập của mình.
Hồ sơ thành tích: Người học tự đánh giá về các thành tích học tập nổi trội của mình trong quá trình học. Thông qua các thành tích học tập, họ tự khám phá những khả năng, tiềm năng của bản thân, như năng khiếu về ngôn ngữ, toán học, vật lý, âm nhạc…
Không chỉ giúp người học tự tin về bản thân, hồ sơ thành tích giúp họ tự định hướng và xác đinh giải pháp phát triển, khai thác tiềm năng của bản thân trong thời gian tiếp theo.
Nguyên tắc xây dựng hồ sơ học tập
Đề xuất xây dựng hồ sơ học tập, giảng viên Nguyễn Nam Phương đã đề cập đến 4 nguyên tắc: Đảm bảo tính độc lập, tự giác, tự ý thức của sinh viên; đảm bảo vai trò của giảng viên; đảm bảo tính hệ thống trong nội dung hoạt động của lớp học; hướng tới năng lực người học, nhất là năng lực nghề nghiệp.
Với nguyên tắc đảm bảo tính độc lập, tự giác, tự ý thức của sinh viên. Nguyên tắc này nói tới việc sinh viên ý thức sâu sắc về nhiệm vụ học tập, với môn học và các hoạt động mà họ tham gia.
Sinh viên có ý thức tự giác, độc lập, tự chủ tương đối trong quá trình học, tự học, làm việc nhóm, tương tác với nhau cũng như trong mối quan hệ đa chiều của lớp học…
Nguyên tắc đảm bảo vai trò của giảng viên thể hiện vai trò của người giảng viên trong việc tổ chức, điều khiển hoạt động dạy học. Căn cứ trên các hoạt động lớp học, sinh viên thực hiện các nội dung trong hồ sơ học tập, như việc ghi nhật ký hoạt động, mức độ tương tác – tích cực của các thành viên; mức độ lĩnh hội của cá nhân.
Vai trò của giảng viên trong việc xây dựng, sử dụng hồ sơ học tập nói riêng và đánh giá quá trình nói chung thể hiện một cách sâu sắc từ việc thiết kế hoạt động trên lớp cần phải căn cứ vào mục tiêu môn học, bài học, các năng lực cần hình thành cho sinh viên, việc lựa chọn các hình thức đa dạng của học tập....
Hồ sơ học tập của sinh viên chỉ có thể được thiết lập dựa trên các hoạt động lớp học, tức là cách giảng viên đưa ra nội dung bài học, cách thức chế biến và gia công nội dung đó trong các tài liệu học tập, cách sinh viên xử lý tri thức và huy động thao tác trí tuệ để làm việc đó.
Với nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống trong nội dung của các hoạt động lớp học: Sự kết nối thể hiện ở tính liên tục và logic của hệ thống tri thức, kỹ năng cần trang bị cho người học.
Sau khi hệ thống kiến thức đó được gia công trong tài liệu học tập, sinh viên thao tác với những tài liệu đó và xâu chuỗi các nội dung, và nhận ra logic môn học.
Mặt khác, hồ sơ học tập là tư liệu lưu các điểm tựa ghi nhớ cho sinh viên tái hiện nội dung bài học, các kỹ năng được hình thành, những kinh nghiệm và bài học sinh viên tự rút ra.
Vì vậy, nó còn được coi là cơ sở giúp sinh viên hệ thống hóa một cách cơ bản tri thức, nội dung môn học, củng cố kỹ năng trên cơ sở tính logic và hệ thống của các hoạt động lớp học.
Nguyên tắc hướng tới năng lực người học bắt nguồn từ việc lấy hoạt động học làm trung tâm, một mặt phục vụ nhu cầu học tập của người học, hướng tới khai thác tiềm năng của người học. Mặt khác, xây dựng môi trường học tập tích cực, nhân văn và hợp tác…
Giảng viên Nguyễn Nam Phương cho biết đã tiến hành thử nghiệm trong 5 tuần tại Trường ĐHSP Hà Nội - thời gian học thực hành môn Giáo dục học - môn học dành cho sinh viên toàn trường.
Trong quá trình thử nghiệm, mỗi buổi học, một sinh viên trong nhóm đảm nhiệm việc ghi nhật ký hoạt động lớp học. Cuối giờ học, sinh viên đó thực hiện việc cho điểm (theo thang điểm 10) đánh giá hoạt động chung của lớp (với tư cách là chủ thể đánh giá lớp học) và có xác nhận chữ ký.
Sinh viên đó có trách nhiệm tập hợp toàn bộ tài liệu học tập nhóm đã làm việc tại lớp và chuẩn bị trước giờ học, cũng với bản nhật ký hoạt động đó, gửi lại cho giảng viên của mình.
Sau 5 tuần thử nghiệm, mỗi nhóm sinh viên có 5 tập tài liệu học tập, tương ứng với 5 tuần. Giảng viên tập hợp thành hồ sơ học tập của mỗi nhóm, sao lưu và gửi lại cho các nhóm sinh viên làm tài liệu ôn tập môn học, đồng thời giữ liên lạc và hỗ trợ sinh viên kịp thời trước, trong và sau kỳ thi kết thúc môn học.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]