Điều đầu tiên được thạc sĩ Võ Thành Tài nhấn mạnh, đó là thiết kế đề cương chi tiết môn học và kế hoạch bài dạy hợp lý.
Theo đó, đề cương cần nêu rõ mục tiêu bài học và cần thể hiện được các hoạt động giúp người học đạt được các mục tiêu đó.
Điều này giúp sinh viên nhận thức về những gì mình phải đạt được trong bài học, từ đó có kế hoạch cụ thể để tự học, tự nghiên cứu, chuẩn bị kiến thức ở nhà và cũng dễ dàng kiểm tra lại mức độ lĩnh hội các nội dung của bài.
Rèn phương pháp tự học
Với nội dung này, thạc sĩ Võ Thành Tài cho rằng, giảng viên cần cung cấp cho người học bài giảng sơ lược, trong đó có các câu hỏi người học cần trả lời.
Trước mỗi buổi học, giảng viên yêu cầu người học trả lời các câu hỏi đó vào phiếu học tập (đây là một tiêu chí đánh giá điểm thường xuyên).
Người học sẽ chủ động xem trước bài để trả lời câu hỏi. Việc này nếu tiến hành thường xuyên, tăng dần cấp độ thì giảng viên có thể giao cho người học các bài tập lớn, tiểu luận.
Tích cực trao đổi, thảo luận
Để đạt được hiệu quả thảo luận như mong muốn, giảng viên yêu cầu sinh viên đọc tài liệu về một nội dung mới, đặt câu hỏi, sau đó yêu cầu sinh viên trao đổi ý kiến, tìm ra câu trả lời và trình bày trước lớp.
Cần có chế độ khuyến khích điểm hợp lý bởi thông thường, khi giảng viên đặt câu hỏi hoặc bài tập, sinh viên rất ít khi chủ động giải quyết. Tuy nhiên, nếu có chế độ khuyến khích điểm cho mỗi câu hỏi hoặc bài tập, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập và tự nghiên cứu.
Tổ chức hiệu quả hoạt động nhóm
Thạc sĩ Võ Thành Tài gợi ý, với hoạt động này, giảng viên chia lớp ra thành các nhóm nhỏ (khoảng 5 sinh viên/nhóm). Nhóm trưởng là người có kết quả học tập tốt ở các môn học trước do giảng viên chỉ định:
Nếu đang hoạt động nhóm trên lớp, giảng viên nên giao cùng một nhiệm vụ. Nếu là tiểu luận, nên giao những nhiệm vụ khác nhau cho mỗi nhóm.
Tuy nhiên, chủ đề phải rõ ràng, vừa sức, có tính thực tế. Độ phức tạp của chủ đề cần đạt đến mức sao cho sinh viên thấy rằng phải hợp tác với bạn để có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh và có chất lượng.
Chủ đề cũng cần phong phú và khác nhau qua từng năm, tránh để sinh viên khóa sau sử dụng tiểu luận của khóa trước để nộp bài. Cùng với đó, yêu cầu phân công nhóm rõ ràng để đánh giá được công bằng hơn và phần nào tránh được trường hợp một sinh viên làm thay cả nhóm.
Kết quả hoạt động nhóm có thể yêu cầu thuyết trình trước lớp. Các nhóm còn lại đặt câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề, sau đó, giảng viên hệ thống lại và làm rõ kiến thức mới.
Kiểm tra nhanh
Với các môn học có yêu cầu về tính toán, vận dụng, thạc sĩ Võ Thành Tài cho rằng, cuối mỗi tuần nên có một bài kiểm tra ngắn với các câu hỏi, kiến thức, kĩ năng trọng tâm của cả buổi để người học vận dụng, trả lời nhanh vào giấy, nộp lại cho giảng viên.
Với các làm này, người học sẽ phải tập trung khi học để nhanh chóng tiếp thu được các kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Công bằng trong kiểm tra, đánh giá
Điều này, theo thạc sĩ Võ Thành Tài để phát huy tính chủ động và tự học của sinh viên. Một sinh viên chăm chỉ phải được đánh giá khác với sinh viên thường xuyên vắng; một sinh viên tích cực thảo luận phát biểu ý kiến phải được đánh giá khác với sinh viên chủ biết thụ động lắng nghe.
Ngoài ra, giảng viên nên ra nhiều đề khi cho sinh viên kiểm tra viết để tránh quay cóp, buộc sinh viên phải tự học.
Thạc sĩ Võ Thành Tài cho rằng: Việc giảng dạy phát huy tính chủ động và tự học của sinh viên vừa giúp các em lĩnh hội tốt tri thức chuyên ngành, vừa học được kỹ năng nhằm đáp ứng được các yêu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi giảng viên phải đầu tư công sức, thời gian vào việc lập kế hoạch, tổ chức giảng dạy và học tập cho sinh viên.
Do đó, cần khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời để giảng viên đầu tư nhiều thời gian vào đổi mới phương pháp giảng dạy, tự bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]