Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nhận xét: Để có những biểu đồ điểm đẹp, cần phải có ngân hàng câu hỏi tốt và đòi hỏi thời gian, công sức để xây dựng. Chúng ta đã không xây dựng ngân hàng câu hỏi theo đúng chuẩn quốc tế, không test thử… nên biểu đồ điểm thô và không đẹp là điều dễ hiểu.
Theo ông Nghĩa, số thí sinh đạt 4-6 điểm/môn nhiều dẫn đến việc các trường khó tuyển và thí sinh cũng khó khăn hơn khi tham gia xét tuyển.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định: Năm nay khó tuyển nhưng tùy tốp trường cao thấp khác nhau. Theo ông Điền, nhóm thí sinh đạt 8 điểm/môn trở lên dễ chọn trường nhưng nhóm thí sinh ở giữa, đạt 5-7 điểm/môn, sẽ khó phán đoán xem nên nộp trường nào là an toàn, và các trường có điểm chuẩn cỡ 5-6-7 điểm/môn cũng khó định điểm chuẩn.
Trong tình hình điểm sàn sàn như nhau, năm nay thí sinh nào (khối D và A1) có điểm tiếng Anh cao sẽ có lợi thế hơn, ông Phong Điền cho biết.
Song song với việc khó trúng tuyển của thí sinh tốp 2 (đạt từ 5-7 điểm) là sự khó khăn định điểm xét tuyển của các trường tốp 2. Nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập nhận định: Để chắc ăn, các trường ĐH sẽ thông báo tuyển từ điểm sàn trở lên. Theo ông Lập, Học viện Bưu chính Viễn thông năm nay sẽ có điểm sàn khoảng 18.
Giáo viên chấm thi tại cụm thi ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: Tiền Phong.
Chiến thuật chọn trường
Thí sinh phải có chiến thuật khi lựa chọn trường hoặc ngành để tham gia xét tuyển, ông Nguyễn Hội Nghĩa tư vấn. Theo ông Nghĩa, thí sinh căn cứ điểm chuẩn hằng năm của trường/ngành mình quan tâm và cộng thêm một số điểm nhất định nào đó vào điểm chuẩn hằng năm của trường này, vì điểm thi năm nay cao hơn. Vấn đề cộng thêm độ lệch bao nhiêu là vừa, ông Nghĩa đặt câu hỏi và mách nước: có thể 2-3 điểm tùy theo trường.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, thí sinh cần theo dõi rất sát việc xét tuyển của các trường hằng ngày hoặc 2-3 ngày/lần, tùy chế độ cập nhật của từng trường. Nếu thấy mình có nguy cơ bị loại thì phải rút ngay và chuyển sang trường khác, đặc biệt với nhóm thí sinh mấp mé giữa đậu và rớt, ông Nghĩa nói.
Ông Lê Hữu Lập khuyên thí sinh: Cứ bình tĩnh theo dõi trên mạng, nếu thấy mình bị đẩy xuống sớm và ở phía trên đã có quá nhiều thí sinh thì phải mau chóng rút đơn xét tuyển; nếu thấy vị trí có vẻ vững chắc trong nhiều ngày thì khoảng 3 ngày cuối cần quan sát kỹ và quyết định chính xác vì đó là cơ hội cuối cùng.
Nên cho ủy quyền nộp - rút hồ sơ
Các nhà tuyển sinh được hỏi đều cho biết đã thấy rõ sự cực nhọc của thí sinh các tỉnh, thành phố xa khu vực trung tâm trong quá trình xét tuyển. Ông Nguyễn Hội Nghĩa gợi ý: Nếu các trường chấp nhận cho đăng ký online thì các thí sinh ở xa đỡ cực.
Ông Nghĩa bật mí, hiện tại có một số trường chấp nhận chuyển nguyện vọng online để tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được học tập. Cho phép thí sinh được ủy quyền cho người nhà rút đơn xét tuyển và nộp đơn xét tuyển sang trường khác cũng là một cách chia sẻ bớt nỗi vất vả cho thí sinh, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Phong Điền đề nghị, để giúp thí sinh đỡ vất vả đi lại, các trường cần cung cấp dữ liệu, điểm chuẩn, chỉ tiêu một cách công khai và chi tiết. Về phía thí sinh cần nghiên cứu kỹ, không nên vội vàng nộp đơn xét tuyển ngay từ ngày đầu. Nếu đã có định hướng ngành nghề thì khi rút đơn ở trường này, cần nghiên cứu để nộp đơn vào cùng ngành ở trường khác có điểm chuẩn thấp hơn.
Điểm chuẩn tăng, nhiều tiêu chí phụ
Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: “Dựa vào phổ điểm của Bộ GD&ĐT, dự kiến, điểm chuẩn vào trường sẽ tăng từ 1-2 điểm, dao động từ 15 - 18 điểm”.
Cụ thể, nhóm ngành Công nghiệp Thực phẩm có điểm chuẩn dự kiến 17-18 điểm, nhóm ngành Công nghệ Hóa - Thực phẩm - Sinh học 15 - 16 điểm; nhóm ngành kinh tế từ 16 - 17 điểm; nhóm ngành Cơ điện tử 15 - 16 điểm…
Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông Lâm TP HCM, năm nay, trường vẫn giữ nguyên các tổ hợp môn xét tuyển theo khối thi truyền thống (gồm A, A1, D1 và B).
TS Lý nhận định, điểm chuẩn các ngành theo khối thi năm 2015 có khả năng sẽ dao động từ 16-21 điểm (khối A, A1, D1) và từ 17-21 (khối B), so với năm trước, dự kiến điểm chuẩn các ngành năm nay sẽ tăng thêm khoảng 2 điểm.
“Vì thế, thí sinh nào có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp phải từ 18 trở lên mới nên nộp hồ sơ vào trường. Đặc biệt, mức điểm chuẩn tối thiểu của ngành cao nhất có khi lên mức 23 điểm”, TS Lý nói.
Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh, ĐH Hoa Sen cũng dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay tăng từ 1- 2 điểm.
Ông cho biết: “Dựa vào phổ điểm mà Bộ GD&ĐT vừa mới công bố, trường dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ tăng”. Cụ thể, năm trước điểm chuẩn các ngành công nghệ ở mức 13, năm nay dự kiến tăng lên 14 - 15 điểm, các ngành khối kinh tế (gồm kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, nhóm ngành du lịch) điểm chuẩn dự kiến 15 - 17 điểm (năm ngoái 14 - 15); riêng tổ hợp khối thi có môn Anh văn, trường dự kiến giữ nguyên điểm chuẩn.
“Nguyên do là phổ điểm tiếng Anh năm nay khá thấp, có khả năng ảnh hưởng đến việc xét tuyển các khối thi có môn này”, ông Bình nhận định.
Tương tự, hầu hết các trường đại học tại TPHCM đều dự đoán điểm chuẩn vào trường năm nay khả năng sẽ bằng hoặc cao hơn với năm trước từ 1- 2 điểm bởi phổ điểm cao hơn năm trước.
Để tránh trường hợp nhiều thí sinh bằng điểm nhau, vượt quá chỉ tiêu của trường, trường Đại học Kinh tế TP HCM sẽ sử dụng tiêu chí phụ là môn Toán, điểm ai cao hơn sẽ trúng tuyển. “Tuy nhiên, để chắc ăn hơn nữa, nhà trường tiếp tục đưa thêm tiêu chí phụ thứ hai là môn Anh văn”, đại diện trường nói.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng dự tính sử dụng tiêu chí phụ. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo trường cho biết: “Trường sẽ sử dụng môn chính để làm tiêu chí phụ đầu tiên (điểm môn chính ai cao hơn sẽ trúng tuyển). Tiếp đó, nếu vẫn còn thí sinh trùng điểm nhau, trường tiếp tục sử dụng tiêu chí phụ thứ hai là xét tuyển điểm học bạ của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển”.
“Cần định hướng lại chính sách giáo dục. Những học sinh không có khả năng học THPT thì đừng nên để các em mất thời gian, đừng để tốn tiền bạc của gia đình, xã hội mà chỉ cần phổ cập đến THCS là đủ. Đó là mấu chốt của việc phân luồng. Chúng ta không nên đẩy các em lên lớp nếu như các em không lên được”. Nguyên Phó GĐ Học viện Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập nói về việc 70 ngàn thí sinh trượt tốt nghiệp năm nay. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]