Ngay khi trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ tại châu Âu, giáo sư Pierre Darriulat chia sẻ: "Khi gửi bức thư ngỏ đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi không kỳ vọng sẽ nhận được hồi đáp của ngài bộ trưởng, cũng không có ý đổ lỗi cho người đứng đầu ngành giáo dục về những bất cập mà người học ĐH, sau ĐH Việt Nam đang phải hứng chịu.
Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp, nguyên giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), một công dân Pháp đã sống ở Hà Nội 15 năm qua.
Điều mong muốn lớn nhất của tôi là giáo dục ĐH Việt Nam sẽ phải thay đổi xứng đáng với sự đổi thay của đất nước. Nhìn ra xung quanh sẽ thấy xã hội chỗ nào cũng đang phát triển mạnh mẽ, trong khi nhìn vào các trường ĐH thì thấy tệ quá. ĐH Việt Nam giống như trường cấp III mở rộng, chứ chưa thể hiện được đúng chất của một trường ĐH thực thụ.
Gắn bó, sống và nghiên cứu trong môi trường giáo dục Việt Nam15 năm qua, tôi đặt ra giả thiết nếu Việt Nam cởi bỏ được quy trình ngớ ngẩn, phức tạp, vô lý từ 10 năm trước thì chất lượng đào tạo ĐH đã khác. Sự khác biệt dễ thấy nhất là chí ít cũng có vài trường ĐH xuất sắc chứ không phải như bây giờ".
- Bộ GD-ĐT cho biết đang kiểm tra các trường hợp mà giáo sư đề cập trong thư ngỏ, những nghiên cứu sinh thực hiện luận án theo phương thức đồng hướng dẫn, một bên là Pháp, một bên là Việt Nam, cuối cùng lại chỉ nhận được bằng của nước ngoài mà vướng các thủ tục nên chưa nhận được bằng của Việt Nam...
- Tôi không quan tâm đến việc giải quyết những trường hợp cụ thể đó. Điều tôi quan tâm là phải giảm bớt đi những thủ tục ngớ ngẩn, gây phiền nhiễu cho các nhà khoa học chân chính bao nhiêu năm qua. Nó khiến nhiều nhà khoa học, nhà quản lý phải làm những việc vô ích mà chẳng làm tăng thêm chút gì cho chất lượng giáo dục.
Đúng là có những bất cập, bức xúc trong giáo dục không thể thay đổi được ngay, nhưng những thủ tục phức tạp đến vô lý này có thể dỡ bỏ ngay một cách dễ dàng, mà bao lâu nay vẫn không có chút gì thay đổi cả. Quy trình nặng nề chỉ kéo theo những thủ tục mang tính hình thức, dối trá.
- Trong thư ngỏ, giáo sư có nói cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng tác giả của nó chứ không phải làm cho cuộc sống của những người trung thực trở nên khốn khổ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam vẫn còn không ít “góc khuất”, không có hàng rào, cơ quan quản lý sẽ không quản nổi chất lượng...
- Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời, xứng đáng có những trường ĐH lớn, có nền khoa học tốt hơn, nhưng lâu nay Bộ GD-ĐT chưa giúp gì nhiều cho sự thay đổi này. Việc đặt ra hàng rào kỹ thuật bằng nhiều thứ luật lệ khiến Bộ GD-ĐT chỉ đóng vai một anh cảnh sát, chứ không làm đúng chức năng của cơ quan quản lý là phải làm trong sạch môi trường giáo dục.
Ở nước ngoài, một người bị phát hiện có sự gian dối trong khoa học bị đuổi việc, không có cửa trở lại trường ĐH, không bao giờ được giảng dạy nữa. Vậy mà ở VN tôi đã chứng kiến có trường hợp sau khi phát hiện gian dối vẫn làm việc bình thường, không bị xử lý gì.
Rồi có trường hợp học viên rất lười biếng, khi đánh giá luận văn tôi chấm điểm 7, nhưng cơ sở đào tạo lại khăng khăng học viên đến từ bộ môn vật lý lý thuyết, một bộ môn lâu nay chỉ toàn... chấm điểm 10.
Tôi đề nghị điểm 8 nhưng không được chấp thuận, nên đành phải nhượng bộ viết nhận xét và chấm 9 điểm. Nhưng đó vẫn chưa phải kết quả cuối cùng vì khi ra hội đồng, điểm số lại vọt lên bất ngờ, không đúng với giá trị thực của nghiên cứu. Tôi thật sự cảm thấy thất vọng.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]