“Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên tại các trường sư phạm. Tuy nhiên, phải tự đổi mới mình là việc làm rất khó khăn. Lâu nay nhiều giáo viên chỉ giảng dạy theo thói quen đọc bài giảng, còn giờ phải thay đổi ngay phương pháp đào tạo, cách thức tổ chức bài giảng cũng phải khác” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đặt vấn đề như trên tại hội thảo nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 4-2. Từ đó, Thứ trưởng Hiển xác định việc tập trung xây dựng lực lượng nhà giáo đáp ứng giai đoạn mới là hết sức cấp bách.
Chất lượng giáo viên chưa yên tâm
Nói về thực trạng đào tạo giáo viên hiện nay, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), nhận định công tác này hiện vừa dư thừa mà chất lượng lại không cao. “Đã một thời gian dài nhiều trường sư phạm đào tạo sinh viên (SV) mà không bám sát nhu cầu từ thực tế từ nhà trường phổ thông. Nhiều trường cao đẳng sư phạm nâng lên thành trường đại học (ĐH) trong điều kiện chưa đảm bảo về nguồn lực và điều kiện, do đó chất lượng đào tạo giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu” - bà Hồng bày tỏ lo lắng.
Đồng tình nhận định này, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng hiện có quá nhiều mô hình đào tạo giáo viên và nguồn cung cấp giáo viên dẫn đến chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều. Một bộ phận giáo viên không được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hoạt động dạy học. “Việc đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm truyền thống kéo dài đến bốn năm nhưng chất lượng vẫn chưa làm chúng ta yên tâm. Trong khi đó, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những cử nhân tốt nghiệp các trường ngoài sư phạm chỉ kéo dài trong vài tháng với một số môn học như tâm lý, giáo dục học… Đến khi về trường phổ thông, hầu hết không thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bình thường chứ chưa nói đến việc đổi mới” - PGS Oanh thẳng thắn nhìn nhận.
Phải xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên để bắt kịp với đổi mới giáo dục. Ảnh: HTD
Bàn về giải pháp, PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng đề nghị cần phải chuyển đổi phương pháp dạy học của giáo viên từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học, biết vận dụng tri thức vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Chuyển nền giáo dục nặng về chữ nghĩa, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp. “Các cơ sở đào tạo giáo viên hãy cùng bắt tay nhau đưa đội ngũ nhà giáo đạt những yêu cầu cao hơn về phẩm chất, năng lực. Theo đó, SV tốt nghiệp các trường sư phạm phải đạt được chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức 1” - bà Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng cần phải khẩn trương xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông. Đồng thời nên thay đổi việc thực tập, thực hành của SV các trường sư phạm. “Vì sao SV ngành y học đến sáu năm và hằng tuần phải xuống thực hành tại các bệnh viện, còn giáo viên chỉ được đào tạo bốn năm và tổng số giờ thực hành không bằng một năm của SV ngành y. Bởi vậy cần phải thay đổi ngay cách thức thực hành, thực tập cho SV các trường sư phạm theo hướng tăng số giờ thực hành, thực tập nhiều hơn nữa” - ông Hồng đề nghị.
Góp thêm về giải pháp, PGS-TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng các trường sư phạm phải chọn giải pháp theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời với việc giảm quy mô đào tạo giáo viên. “Việc chuyển dịch theo hướng đào tạo giáo viên có trình độ thạc sĩ giáo dục có thể là một lựa chọn thích hợp. Nó sẽ kéo theo sự thay đổi ở các khâu khác của quá trình đào tạo giáo viên như tuyển sinh đại trà cần được thay thế bằng tuyển chọn sâu, kéo dài thời gian đào tạo, đổi mới quy trình và phương pháp đào tạo…” - ông Sơn nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, góp thêm: Giáo viên cần được trang bị và phát triển những kỹ năng mới. “Khả năng dạy kiến thức tích hợp hoặc biết tổ chức dạy liên môn là những đòi hỏi mới và cấp bách cho giáo viên hiện nay. Khi một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, người giáo viên cần phải có khả năng lập kế hoạch dạy tốt, biết chủ động lựa chọn và tổ chức cho học sinh tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau theo chủ đề dạy học” - ông Minh nhấn mạnh.
Thừa khoảng 35.000 giáo viên
Tại thời điểm hiện tại, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có chính trường ĐH sư phạm. Quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hằng năm khoảng 22.500-23.000 SV và hệ cao đẳng 24.500-26.000 SV. Số thí sinh có nguyện vọng dự thi ĐH vào các trường sư phạm không giảm mà còn có xu hướng tăng. Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy hiện cả nước đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Đồng thời nhu cầu tuyển dụng tại các địa phương rất nhỏ.
Hiện nay thu nhập của giáo viên còn thấp. Chẳng hạn, các PGS trong các trường ĐH dạy hết cả đời mới đạt bậc lương cao nhất là 6,78 nên dù có thêm phụ cấp ngành, thâm niên thì thu nhập của họ cũng khá khiêm nhường, khoảng 12,5 triệu đồng/tháng. Vì thế cần có một lộ trình về lương cho giáo viên để họ có thể yên tâm phục vụ sự nghiệp giáo dục.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]