Thí sinh dự thi đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Đây là một trong những nội dung cơ bản trong bản góp ý kiến quy định tuyển sinh đại học, cao đẳng của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để thống nhất các ý kiến, chiều 9/1, Hiệp hội đã tổ chức cuộc họp các thành viên tại Hà Nội.
Bộ… nhiêu khê?
Phát biểu tại cuộc học, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng việc Bộ yêu cầu các trường phải làm đề án đưa lên Bộ xem xét, lấy ý kiến phản biện xã hội là quá nhiêu khê, một cách khiến các trường nản.
“Tự chủ tuyển sinh là quyền đương nhiên của các trường, không phải làm đề án. Chúng tôi có cảm nhận dường như Bộ chưa thực sự sẵn sàng trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp đối với các trường muốn tự chủ tuyển sinh để vô tình buộc các trường phải chấp nhận kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ lâu nay,” ông Khuyến nói.
Cùng ý kiến này, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học dân lập Hải Phòng cho biết: “Đã có quy định trong Luật Giáo dục Đại học về tự chủ tuyển sinh. Nếu tôi vi phạm thì tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phải đưa đề án để Bộ chấp thuận thực chất là cơ chế xin-cho.”
Ông Vũ Duy Chu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Á (Bắc Ninh) cũng nhấn mạnh: “Bộ đừng bắt ép trường làm đề án. Bộ không có người và thời gian để duyệt. Đề án đó trường có thể công bố trên website của trường để xã hội biết.”
Cần chuẩn quốc gia đầu vào đại học
Bên cạnh kiến nghị được bỏ việc trình đề án tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng đề nghị Bộ cần công bố quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, tất cả những ai đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện cần để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục đại học.
Điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể sẽ do các trường tự quyết định và tự công bố công khai, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình. Điều kiện đó có thể là kỳ thi bổ sung, kết quả học lực phổ thông, năng lực xã hội…
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy chuẩn trình độ đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học thường được nhiều quốc gia chọn là văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc các văn bằng tương đương khác,” Hiệp hội đề xuất.
Củng cố cho ý kiến này, ông Đỗ Văn Chừng, Đại học Bắc Hà, cho rằng cần đưa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành kỳ thi quốc gia duy nhất.
“Thi tốt nghiệp không tốn kém như thi đại học. Điều này sẽ giảm lãng phí tiền bạc cho xã hội và tránh được luyện thi,” ông Chừng nói.
Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị phát biểu ý kiến.
(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Với quan điểm lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm chuẩn đầu vào đại học, các thành viên Hiệp hội cũng tỏ ý không tán thành với dự thảo của Bộ về việc sẽ miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh lớp 12 trong năm 2014.
“Nên bỏ thi đại học, chỉ để thi tốt nghiệp. Khi quy định 20% học sinh được miễn thi sẽ dẫn đến tiêu cực trong nhà trường, từ học sinh đến giáo viên,” ông Nguyễn Cao Đạt phân tích.
Tháo nút điểm sàn?
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tuyển sinh năm 2014, thay vì cấm tuyệt đối, Bộ đã cho phép các trường thi riêng được sử dụng kết quả thi ba chung để xét tuyển với điều kiện điểm phải trên sàn.
Sự điều chỉnh này được Bộ cân nhắc sau khi quy định trường thi riêng không được sử dụng kết quả thi ba chung gặp sự phản ứng của các đại học ngoài công lập. Các trường cho rằng quy định này đã làm hạn chế nguồn tuyển của trường nhóm dưới.
Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều nay, lãnh đạo các đại học ngoài công lập vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ tháo nút điểm sàn.
Theo ông Vũ Duy Chu, Bộ chỉ nên áp điểm cho trường mà Bộ muốn đẩy chất lượng cao như Đại học Quốc gia, các trường có thương hiệu như Đại học Kinh tế quốc dân…
“Xã hội đừng lo chất lượng ngoài công lập kém. Hãy cứ thả cho các trường thì chất lượng mới lên được. Chúng tôi cũng phải lo giữ chất lượng để tồn tại. Xã hội sẽ gạt bỏ dần các trường chất lượng kém và xã hội là bộ phận sàng lọc tốt nhất,” ông Chu phân trần.
Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cũng phân bua: “Thi ba chung nhưng không nên có điểm sàn. Thí sinh dưới điểm sàn có thể xét các điều kiện rèn luyện 3 năm phổ thông ra sao. Thi quá kém vì trạng thái thi không tốt, nhưng 3 năm phổ thông các em đều tốt cả thì vì sao không lấy?” .
Bên cạnh các vấn đề trên, Hiệp hội cũng kiến nghị không nên chấm dứt kỳ thi ba chung vào năm 2016.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội, sau khi thống nhất các ý kiến, Hiệp hội sẽ hoàn tất bản ý kiến góp ý và gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận vào sáng mai, ngày 10/1/2014.
Theo Phạm Mai - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]