Giờ thực hành môn điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Bắc Giang. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, các vấn đề về thủ tục cấp phép đã được hoàn tất và hệ này sẽ được giao cho trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic triển khai.
Cụ thể, đối tượng tuyển sinh của hệ này là các học sinh tốt nghiệp lớp 9, bậc trung học cơ sở, không học tiếp lên trung học phổ thông. Học sinh có thể học 3 năm để lấy bằng trung cấp nghề và đi làm hoặc học thêm một năm để lấy bằng cao đẳng nghề chính quy. Trong thời gian học nghề, học sinh sẽ đồng thời học thêm các môn học cơ bản của bậc trung học phổ thông để thi và lấy bằng tốt nghiệp bậc học này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các ngành đào tạo đầu tiên của hệ đào tạo 9 + 4 sẽ là các ngành về công nghệ thông tin, thế mạnh của FPT. Học phí dự kiến ở mức khoảng trên 4 triệu đồng mỗi học kỳ.
“Với chương trình này, thanh niên Việt Nam sẽ có cơ hội lập nghiệp sớm hơn. Đây cũng là định hướng phù hợp với Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vừa được Ban chấp hành trung ương Đảng ban hành,” ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, mô hình đào tạo này đang áp dụng thành công ở nhiều nước như Singapore, Nhật Bản, Anh, Đức…
Trên thực tế, việc tuyển học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở và vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo văn hóa bậc trung học phổ thông đã có ở Việt Nam từ lâu với hệ thống các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyển sinh của các trường này trong nhiều năm qua rất khó khăn và ngày càng khó khăn hơn do người học không mặn mà. Những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là tư duy nặng bằng cấp trong người học và cả trong nhà tuyển dụng cũng như chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các trường.
Vì thế, việc FPT quyết định mở thêm hệ đào tạo này là một bước đi khá táo bạo. Ông Đàm Quang Minh, Tổng giám đốc FPT Polytechnic cho biết có rất nhiều vị trí tuyển dụng mà trình độ nhân lực không cần đến đại học, cao đẳng. FPT Polytechnic cũng sẽ tích cực hỗ trợ để tìm đầu ra cho người học.
“Người dân đang đổ xô học đại học nhưng hiện có một làn sóng ngầm mạnh mẽ không kém là nhu cầu xin được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Có thể chúng tôi sẽ gặp khó khăn trước mắt trong tuyển sinh, thậm chí có thể khó khăn dài dài nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng đây là định hướng đúng. Phụ huynh sẽ nhận ra đâu là nơi tốt nhất cho con em mình,” ông Minh chia sẻ.
Theo Phạm Mai - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]