Lý do để học sinh lựa chọn homeschool (giáo dục tại nhà) rất đa dạng. Một số người kỳ vọng môi trường học tập nhiều trải nghiệm hơn, trong khi những người khác muốn tự chọn môn học mình yêu thích.
Ba sinh viên Havard dưới đây đều theo đuổi phương pháp giáo dục này. Họ có điểm chung là ham muốn tìm tòi, khám phá và tính độc lập, những yếu tố sẽ tiếp tục định hình con đường giáo dục sắp tới. Câu chuyện của họ được chia sẻ trên tờ Harvard Gazette ngày 21/2.
Claire Dickson (tốt nghiệp năm 2019)
Con đường đến sân trường Harvard của Claire Dickson bắt đầu từ Harvard Avenue. Đó là tên con phố cô sống ở Medford (bang Oregon, Mỹ), nơi cô học toán, đọc sách của Melville và chơi piano khi là một đứa trẻ học tại nhà.
Claire Dickson trên con phố Harvard Avenue ở Medford. Ảnh: Harvard
“Gia đình muốn tôi có nhiều kinh nghiệm học tập thực tế. Mẹ tôi không hài lòng về hệ thống trường công. Tại sao bạn phải đi đến một tòa nhà hàng ngày và làm mọi thứ y hệt nhau? Tôi quan tâm đến thứ gì thì tôi sẽ bắt tay vào nó”, Dickson giải thích về lý do chọn homeschool.
Mỗi ngày “đi học” của Dickson đều khác nhau. Đôi khi cô học về nhạc cổ điển và nhạc jazz cả ngày. Đôi khi cô mải mê đọc sách. Lần đầu tiên cô xem kịch “Hamlet” là vào năm 9 tuổi.
“Có rất nhiều điều tuyệt vời xảy ra xung quanh, và bố mẹ ủng hộ bất cứ điều gì tôi làm. Bạn phải có động lực nội tại để làm tất cả những điều bạn muốn. Homeschool thực sự đã thúc đẩy tôi. Tôi xem rất nhiều vở kịch và buổi diễn âm nhạc sống động, đi theo bố mẹ tới mọi nơi họ làm việc”, cô kể.
Việc học của Dickson trở nên có tổ chức hơn khi vào trung học. Cô gặp gỡ một nhóm trẻ homeschool khác trong các buổi học Toán, Sinh và Lịch sử. Lớp 8, cô bắt đầu tham gia các khóa học tại trường Harvard mở rộng (Harvard Extension School) và Cao đẳng cộng đồng Bunker Hill ở Massachusetts. Dickson bắt đầu quan tâm đến Tâm lý học khi nghe giảng miễn phí tại bệnh viện đa khoa Massachusetts, làm nghiên cứu cho một bác sĩ ở đó.
Nữ sinh Harvard đánh giá homeschool và đại học có những điểm tương đồng như bao gồm rất nhiều nghiên cứu độc lập, do đó quá trình chuyển đổi môi trường học của cô khá dễ dàng. Giao tiếp xã hội là trải nghiệm mới, nhưng Dickson đã tham gia tình nguyện ở tổ chức phi lợi nhuận Phillips Brooks House và hát trong ban nhạc.
Abraham Joyner-Meyers (tốt nghiệp năm 2021)
Lớn lên ở Takoma Park (quận Montgomery, bang Maryland), Abraham Joyner-Meyers sống cách trường tiểu học địa phương chỉ vài khu phố. Tuy nhiên, nơi này ngừng nhận trẻ mẫu giáo khi Joyner-Meyers đến tuổi đăng ký. Mẹ Joyner-Meyers, người đang viết sách tại văn phòng riêng ở nhà, xếp cho anh một chiếc bàn ngay bên cạnh.
“Sau một năm học tại nhà, không chỉ mối quan hệ của tôi với mẹ tốt lên, mà tôi còn rất tự do khi nghiên cứu những gì mình muốn”, Joyner-Meyers, sinh viên cử nhân song bằng ở Đại học Harvard và trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee (chương trình 5 năm) nói.
Vừa học Harvard, Joyner-Meyers vừa đến Cao đẳng Âm nhạc Berklee để học đàn và tập kịch. Ảnh: Harvard
Anh tự nhận là mọt sách, từng ngấu nghiến rất nhiều cuốn khi học tại nhà. Anh học toán với sự giúp đỡ của bố và dành thời gian học thêm diễn xuất.
Joyner-Meyers yêu cả sự tự do khi ở nhà và cảm giác khi bước ra ngoài cộng đồng. Nơi đầu tiên anh tự đến một mình là thư viện địa phương để gặp gỡ các nhóm đọc sách, sau đó là nhiều bảo tàng nghệ thuật ở D.C.
Joyner-Meyers nghĩ nếu không được giáo dục tại nhà, âm nhạc khó trở thành một phần quan trọng của cuộc đời anh. Khi tập diễn xuất, anh tiếp xúc nhiều học sinh lớn tuổi, những người phát triển nhiều hoạt động bên ngoài trường trung học. Họ giúp người chơi vĩ cầm Joyner-Meyers tương tác với các nghệ sĩ địa phương. Anh mở rộng sang âm nhạc dân gian Ireland và bắt đầu chơi tại các lễ hội, sau đó là trong một ban nhạc, rồi lập nhóm riêng cho mình.
Nhờ nghiên cứu song bằng, Joyner-Meyers trau đồi cả học vấn và kiến thức âm nhạc. Anh biểu diễn với nhóm Hyperion Shakespeare Company ở Harvard và được mời chơi đàn mandolin trong đội tứ tấu.
“Ước mơ của tôi là kết nối Shakespeare và âm nhạc với tư cách một học giả - nghệ sĩ. Thật thú vị khi trở thành một trong những sinh viên đầu tiên nghĩ về hiệu quả của chương trình này trong tương lai. Chúng tôi vui khi trở thành chuột bạch”, Joyner-Meyers nói.
Kemen Linsuain (2018)
Từ những năm đầu tiên đi học, đam mê Toán và Vật lý của Kemen Linsuain đã vượt xa những gì khu học chánh Pittsburgh (Pennsylvania) mang lại. Dù bố mẹ quyết định cho Linsuain học tại nhà, anh chính là người tự điều hướng việc học cho mình.
“Không có một kế hoạch chung hoặc kế hoạch dài hạn, tôi chỉ học các lớp mà tôi quan tâm”, Linsuain nói. Năm 12 tuổi, anh tham gia các khóa Toán và Vật lý tại Đại học Carnegie Mellon (CMU) và Penn.
Cạnh CMU là thư viện công cộng và bảo tàng khoa học, vì vậy Linsuain lang thang ở đó trong thời gian trống giữa các lớp.
Việc học tại nhà giúp Linsuain tự do hơn trong suy nghĩ. Ảnh: Harvard
Linsuain làm việc trong phòng thí nghiệm của nhà vật lý Philip Kimresearching, dự định chuyển đến Washington DC sau khi tốt nghiệp để trở thành nhà phân tích của công ty tư vấn Dean and Company.
“Tôi luôn có góc nhìn của người ngoài cuộc đối với mọi thứ. Khi tuyển dụng, tôi nhận ra điều này rất hữu ích. Tôi thực sự không có định kiến hay sự rập khuôn trong các quá trình. Khi được là chính mình, tôi tự do hơn”, anh tự tin nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]