Cô giáo Nguyễn Thị Thông hướng dẫn học sinh học bài
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô Thông về dạy học tại Trường tiểu học Đa Lộc (huyện Hậu Lộc). Đến năm 1987, cô đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2. Năm 1996, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2001, sau khi về hưu cô đã quyết định mở lớp học tình thương tại nhà. Cô Thông đã đi gõ cửa từng nhà để vận động người dân ở xã nghèo vùng biển cho con đi học.
Năm 2002, lớp học tình thương đầu tiên được mở tại nhà với 16 em tới lớp, trong đó có tới 8 em mồ côi. Những ngày đầu tiên nhiều khó khăn với bàn ghế, bảng viết được cô Thông tận dụng từ những cánh cửa cũ. Từ năm 2009, lớp học tình thương của cô Thông đã được chính quyền xã Ngư Lộc tạo điều kiện học ở Trung tâm học tập cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho cô Thông
Đến nay, lớp học tình thương của cô Thông đã dạy cho 97 em học xong cấp tiểu học để các em hòa nhập tiếp tục học lên THCS và THPT; xóa mù cho 59 người có độ tuổi từ 35 đến 60. Hiện nay, ngoài giờ lên lớp dạy lớp học tình thương, cô Thông còn tham gia dạy lớp xóa mù chữ vào buổi tối và là Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngư Lộc.
Cô Nguyễn Thị Thông tâm sự: “Học sinh của cô là những trẻ em thiệt thòi, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu người chăm sóc. Vì vậy, cô mong muốn không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em nhỏ làm người. Trở thành người chăm sóc, là chỗ dựa tinh thần cho các em.
Nhận được thư khen của Chủ tịch nước là vinh dự lớn lao đối với cô. Cô hứa sẽ tiếp tục cố gắng để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục vận động trẻ em nghèo đến lớp, vận động người dân tham gia học xóa mù; xây dựng phọng trào xã hội học tập, học tập suốt đời…”
Phát biểu tại buổi trao thư khen, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền ghi nhận những cống hiến của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông và vui mừng khi nhà giáo Thanh Hóa là một trong ba nhà giáo trong cả nước được Chủ thịch nước tặng thư khen.
Đây không phải là niềm vui riêng của cô Nguyễn Thị Thông mà là niềm vui chung của nhân dân Ngư Lộc, của các cấp, chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Cô Thông là tấm gương nhà giáo để các thế hệ sau nối tiếp, học tập. Đây là tấm gương vì cộng đồng để giúp xã hội phát triển tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn cô Thông sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất để cô Thông dạy học…
Tại buổi trao thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền cũng đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông.
Thư khen của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang
Các nhà giáo Nguyễn Trà (tổ 23B, khu dân cư số 5, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Thị Thông (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa); Lê Trung Sứng (223/10 khu Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Cần Thơ).
Qua theo dõi thông tin trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 vừa qua, tôi nhận thấy trên khắp cả nước ta, từ miền Bắc đến miền Trung vào miền Nam, nơi nào cũng có những tấm gương thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, quên mình yêu thương dạy dỗ học trò. Trong các tấm gương đó, tôi đặc biệt cảm động và trân trọng những việc mà các nhà giáo Nguyễn Trà, Nguyễn Thị Thông và Lê Trung Sứng đã miệt mài thực hiện trong hàng chục năm qua.
Nhà giáo Nguyễn Trà, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông, tuy nghỉ hưu đã lâu, tuổi đã cao, song không quản công sức, khó nhọc, vẫn tiếp tục cưu mang, dạy dỗ miễn phí cho nhiều lớp trẻ em cơ nhỡ, nghèo khó, con em người lao động do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường, giúp các em không chỉ biết chữ mà còn có cơ hội vươn đến tương lai tốt đẹp hơn. Nhà giáo Lê Trung Sứng không chỉ làm người thầy tốt ở trường mà đã không quản vất vả sớm hôm, tự nguyện dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn lượt trẻ em, giúp các em không chỉ biết bơi mà còn là khả năng giành cơ hội sống trong vùng sông nước.
Những việc mà các nhà giáo nêu trên đã làm, phản ánh chung cho nhân phẩm tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam hiện nay, vốn bắt nguồn từ truyền thống hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc. Tôi rất trân trọng và nhiệt liệt biểu dương tấm lòng và thành tích của các nhà giáo nêu trên.
Nhân đây, tôi cũng mong các nhà giáo ở khắp mọi miền của Tổ quốc, tiếp tục tận tụy, hy sinh, miệt mài cống hiến, để trao truyền cho các thế hệ học trò những tri thức toàn diện, những kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ khả năng kế thừa, tiếp bước lớp cha ông, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]