Nuôi ước mơ làm cô giáo
Hải Thanh chia sẻ, hiện tại cô vẫn làm công việc theo đúng ngành học tại Điện ảnh Quân đội, còn việc trở thành cô giáo luyện chữ như một cái duyên và cũng bắt đầu từ mơ ước thuở bé.
“7 năm trước mình thi đỗ cao đẳng Sư phạm, cùng lúc ấy lại đỗ cả ĐH SKĐA. Khi lựa chọn học đại học, bản thân mình đã cố gắng để học tốt trong suốt 4 năm. Đến khi ra trường đi làm rồi, rất nhiều khi mình nhớ đến mơ ước hồi nhỏ. Lúc ấy mình rất ham chơi, cũng không hiểu phải học như thế nào cho giỏi.
Cho đến năm lớp 4, mình được học một cô giáo tuyệt vời. Nhờ cô và tấm lòng của cô mà mình đã học tốt hơn rất nhiều, hiểu được phương pháp học và yêu thích việc học. Từ đó, trong mình lúc nào cũng ấp ủ mơ ước được làm giáo viên, được giúp các em hiểu cách học và yêu thích học như cách mà cô giáo mình đã làm”, Hải Thanh nói.
Cô á khôi ĐH SKĐA năm nào giờ đã và đang biến ước mơ của mình thành sự thật. Công việc đầu tiên đưa Hải Thanh đến với nghề giáo là dạy múa cho một lớp học tại trường tiểu học Phan Chu Trinh. Theo lời Hải Thanh, cô tự học múa trên mạng từ hồi còn là sinh viên và cũng biểu diễn nhiều lần. Nhờ bài múa tự học, tự tập đó, Hải Thanh đã may mắn trở thành á khôi 1 của ĐH SKĐA năm 2010. Cũng nhờ đó Thanh được nhờ dạy múa tại trường tiểu học Phan Chu Trinh.
Hải Thanh tâm sự: “Các bé rất quý mình và lúc đấy mình cảm thấy thật hạnh phúc khi được làm cô giáo. Lần đấy mình đã dạy mà không lấy học phí, dù quả thực mới ra trường đi làm hợp đồng rất nghèo, trong túi có khi không có nổi 50.000 đồng để đổ xăng mà vẫn cố đi lo đồ diễn cho các bé”.
Cùng lúc đó, bố Hải Thanh là một người có chữ đẹp, hay viết bằng khen cho đơn vị, cô được bố hướng dẫn tỉ mỉ cách viết. “Lúc đấy mình đã tin việc viết đẹp rất dễ, chỉ cần học đúng phương pháp”, Thanh nói.
Kể từ đó, Thanh bắt đầu việc luyện viết chữ đẹp, bắt đầu với công việc đi dạy cho con của một vài người quen và nhận được nhiều phản hồi khen ngợi của phụ huynh, cũng như sự yêu mến của học sinh dành cho mình.
Hải Thanh chia sẻ: “Mình tự nhắc bản thân phải cố gắng dạy phương pháp viết cho thật dễ hiểu và áp dụng một vài cách dạy mà cô giáo năm lớp 4 đã dạy mình. Mình quan tâm và cẩn trọng từng nét chữ của các bé, vì thế mà tỷ lệ các bé học mình có thể viết đẹp lên đến 95%, còn người lớn là 100%. Con đường trở thành cô giáo của mình bắt đầu thật bình dị và tự nhiên như thế”.
Cô giáo luyện chữ đẹp “đắt sô”
Cô Á khôi ĐH SKĐA tâm sự, chỉ sau 1 tháng đi dạy, lịch dạy học của Thanh gần như kín tuần, công việc cứ thế tiếp diễn trong suốt 2 năm qua, thậm chí Hải Thanh gần như không có ngày nghỉ, trừ lễ Tết.
Cho đến nay, Thanh đã dạy hàng trăm học sinh và tích lũy nhiều kinh nghiệm luyện viết chữ đẹp. Nhiều em nhỏ được Thanh dạy viết nhanh và đẹp, cả những học sinh lớn tuổi, có những người viết chữ từ rất xấu chỉ sau 5 ngày được cô giáo Hải Thanh rèn luyện đã không thể nhận ra nét chữ gần như hoàn toàn thay đổi của mình.
Mặc dù là nghề tay trái nhưng cô lại luôn tâm niệm luyện chữ đẹp là niềm đam mê, tình yêu và một phần cuộc sống của mình. Thanh bày tỏ: “Có lẽ mình cũng có một phần hy sinh cho công việc luyện chữ. Với mình, nó là tâm huyết và hạnh phúc khi được dạy học, được thay đổi nét chữ của một người, làm cho một người thấy điều tưởng như khó mà lại thật đơn giản”.
Niềm vui của cô giáo trẻ là được nhìn thấy những học trò của mình tiến bộ từng ngày. Có những học trò “người lớn” sau khi luyện chữ ở lớp của Hải Thanh chia sẻ gặp thêm nhiều may mắn trong cuộc sống như: Xin được việc làm, đổi công việc, mở cửa hàng riêng, có chuyện vui trong gia đình…
Hay những lời tâm sự như: "Cô ơi, hôm nay cô giáo không tin đây là bài con viết, còn nghĩ con nhờ gia sư viết hộ"; "Bé nhà chị ngày xưa viết xấu lắm, giờ còn đại diện cho lớp đi thi viết chữ đẹp này”… là nguồn cổ vũ, động viên cho Thanh rất lớn để tiếp tục với công việc bình dị của mình.
Tối tối, trong căn phòng nhỏ tại nhà riêng với vài ba bộ bàn ghế đơn giản, cô giáo Hải Thanh miệt mài cầm tay uốn nắn từng nét chữ cho học trò. Cô giáo trẻ luôn tâm niệm, trên đời này có nhiều nghề, có những nghề thật bạc, chỉ riêng nghề giáo là thật sự để lại phúc.
Với Thanh, không chỉ dạy học mà trong bất cứ công việc nào, chữ “tâm” luôn phải đặt lên trên hết, để sau mỗi khóa học, điều Thanh có thể mang lại cho mỗi học trò của mình, đặc biệt là các em nhỏ, là “luyện nét chữ, rèn nết người”.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]