Ngày 31/10, trên diễn đàn Chúng tôi yêu giáo dục Tiểu học đã đăng tải bức thư gửi mẹ giàu cảm xúc của cô giáo vùng cao 9X, khiến người xem thấm thía. Nhiều người đã không kìm lòng được khi đọc những dòng chia sẻ của một cô gái thành thị về cuộc sống ở mái trường vùng cao.
Nội dung bức thư xoay quanh diễn biến tâm trạng từ hồi hộp lo lắng đến vui buồn, thấm thía của một cô giáo trẻ mới ra trường, nhận quyết định công tác tại Tiểu học Pa Cheo - xã Pa Cheo - huyện Bát Xát - tỉnh Lào Cai. Chuyến đi và những ngày tháng trước mắt là những trải nghiệm đầu đời quý giá của một cô gái thành thị về vùng bản nghèo dạy chữ.
Liên hệ với chủ nhân bức thư, cô cho biết mình tên Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1992. Đang là giáo viên tiếng Anh của trường Tiểu học Pa Cheo thuộc xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cô sinh ra và lớn lên tại TP. Lào Cai, cách điểm dạy học 45 km. Lần đầu 9X chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống của những người dân vùng núi nhiều thiếu thốn, trên cương vị là một cô giáo trẻ, nên không kìm được xúc động, viết ra bức thư này.
Cô giáo 9X - Nguyễn Thị Tuyết bên những em bé Pa Cheo.
"Mọi thứ các em có ở đây đều chỉ trông đợi vào sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm từ lương thực đến các giá trị tinh thần khác kiến thức, quần áo, sách vở" - Tuyết chia sẻ.
Bật khóc trước những khó khăn
Mở đầu bức thư, Tuyết đã kể cho mẹ về cảm xúc của mình khi nhận thông báo về làm cô giáo vùng cao. Cô viết:
"Gửi mẹ của con!
Năm nay con 22 tuổi. Và đây là lần đầu tiên con sống xa nhà, đó lại là một cuộc sống tự lập của một người lớn thực thụ. Con được làm cô giáo như mẹ ước ao, giờ mẹ cũng tự hào vì con gái mẹ đã được đứng trên bục giảng, con cũng vui lắm vì thấy nụ cười mẹ hạnh phúc. Con đã cầm quyết định nhận công tác trên tay theo chân thầy hiệu trưởng đón con lên trường, điểm dừng chân tại trường Tiểu học Pa Cheo - xã Pa Cheo - huyện Bát Xát.
Đây là vùng đất có khí hậu rất khắc nghiệt, ruộng nương vắng lặng, còn người dân ở đây toàn là người Mông. Với con, tất cả đều lạ lẫm.
Con nhớ cái ngày đầu tiên con cầm quyết định lên trường, chỉ còn 8 km nữa là tới nơi vậy mà con đã khóc lên tới tận trường. Con khóc vì con sợ, con hoang mang, con lo lắng tự hỏi : "Đây là đường mà con sẽ đi làm sao? - Sao đường lắm đá lởm chởm khó đi thế? - Sao xa thế, đi mãi mà chưa tới? – Sao đi mãi mới có 1 nhà dân?...".
Sự nghèo khó và thiếu thốn của cuộc sống vùng cao từng khiến cô giáo trẻ sợ hãi.
"Thật khó mà tin là chỉ cách nhà mình mấy chục cây số thôi vậy mà những con người nơi đây lại đã – đang và vẫn phải trải qua một cuộc sống đầy khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn và vất vả đến như vậy" - Vốn sống trong sự bảo bọc của gia đình, Tuyết dường như không thể tin vào những điều đang diễn ra trước mắt.
Điều đó khiến 9X trăn trở về trách nhiệm và nghĩa vụ lớn lao của mình khi trở thành người mang kiến thức đến với bản nghèo.
"Họ cách xa với thế giới văn minh như này liệu dạy và học có thay đổi được kiếp nghèo ở đây không? Liệu là cái chữ gieo xuống có gặt hái được ấm no, hạnh phúc và một cuộc sống mà những đứa trẻ kia cứ đứng trên núi ngóng chờ phép màu nhiệm của bà tiên mang đến?"
3 tháng thấy mình trưởng thành thật nhiều
Vượt qua những trở ngại ban đầu, Tuyết cũng đã làm quen với cuộc sống của một cô giáo vùng cao, thoát cái, đã 3 tháng trôi qua.
"Con đã làm việc và sống ở trên đây 3 tháng rồi, nó là thời gian đủ dài để con biết rõ được sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người, nỗi gian truân, vất vả, và những trăn trở ở mà đồng nghiệp con, bạn bè con đã và đang từng ngày trải qua.
Nhưng nó lại là thời gian quá ngắn để con hiểu được nỗi khổ, cuộc sống thiếu thốn, bụng đói, chân trần trong cái thời tết lạnh tê tái này của những con người nơi đây trong những năm tháng qua. Con sẽ kể cho mẹ nghe về ngôi trường mà con đang sống, cảm nhận và trải nghiệm của con, mẹ nhé!
Pa Cheo là một xã phía Nam của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Gần 100% dân tộc H’Mông sinh sống. Trường Tiểu học Pa Cheo có 7 phân hiệu nhỏ và 420 em học sinh đang theo từ lớp 1 đến lớp 5 ở 7 thôn bản: Kin Sáng Hồ (trung tâm hành chính của xã), Hán Nắng, Tả Lèng, Xéo Pa Cheo, Tả Pa Cheo, Pờ Sì Ngài, Bản Giàng.
Từ thức ăn đến quần áo mặc, trẻ em Pa Cheo đều nhờ vào sự trợ cấp của những tấm lòng hảo tâm.
Từ trung tâm xã (Kin Sáng Hồ) đến bản xa nhất (Bản Giàng) khoảng 20 km, trong đó khoảng 12 km phải đi bộ xuyên rừng, đường cực kì khó đi và nhiều ổ voi mẹ ạ. Do Pa Cheo có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao nên để đi vào được các thôn bản dạy học đồng nghiệp của con phải di chuyển bằng xe máy, hoặc đi bộ.
Vì cuộc sống khó khăn, trẻ em đang độ tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi cắp sách tới trường bụng đói, áo rách, không đủ ấm, chân đất trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt đến trường. Cô luôn tự hỏi mình làm sao các em ấy có thể học được chữ và trang bị cho mình những hành trang để bước vào một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Kết lại bức thư, Tuyết khiến mẹ yên lòng khi nhắn nhủ rằng dù có khó khăn đến mấy nhưng với tình yêu dành cho những đứa trẻ ngây thơ ở Pa Cheo, cô tin mình sẽ làm tốt công tác giảng dạy. 9X muốn nhân rộng tình yêu thương và đem hạnh phúc mình may mắn có được sưởi ấm những em bé ở bản nghèo vùng cao lạnh giá này.
"Mẹ đã nói với con rằng: “ Đừng chế giễu, chê bai những người bị khuyết tật, nghèo rách vì họ đã gánh lấy những khiếm khuyết, khổ cực đó thay cho con và những người thân xung quanh con, để con có được may mắn, khỏe mạnh, lành lặn. Khi họ đã dành cho con nhiều thứ như vậy thì con hãy cảm ơn họ bằng cách đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ họ hết khả năng của mình.
Vâng! khi xa gia đình, khi đã quen với công việc và con người nơi đây, con thấy mình yêu núi rừng, yêu cái người Mông thật thà, giản dị, trong sáng của Pa Cheo này biết nhường nào mẹ ạ. Cuộc sống trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng con hứa sẽ hoàn thành thật tốt công việc giảng dạy tại đây và xem như một bài học quý, trải nghiệm mà không phải cô giáo trẻ nào cũng may mắn có được".
Theo Giadinh.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]