Có mặt tại điểm trường này vào những ngày giữa tháng 11, khi cái rét đã ùa về thì mới cảm nhận được sự gian lao của các thầy cô giáo trong công cuộc "gieo chữ" đầy khắc nghiệt.
Thầy và trò bên lớp học tạm bợ.
Xuyên rừng vào Tia Ma Mủ
Quả thật cái tên điểm trường giữa tầng mây mà các thầy cô giáo đặt cho Tia Ma Mủ chẳng sai chút nào bởi một lẽ nơi này quanh năm bảng lảng khói sương, gió lùa lạnh buốt. Để đến được đây, chúng tôi phải mất gần một ngày đường đi bộ từ trường trung tâm PTCS Nậm Ngà. Con đường duy nhất là ngược suối Nậm Ngà, vượt qua những rừng tre, nứa, nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn con vắt bật lên tanh tách mỗi khi ngửi thấy hơi người.
Đưa chúng tôi vào Tia Ma Mủ hôm đó, ngoài hai thầy giáo Nguyễn Đức Cường, Đào Văn San còn có nữ giáo viên Đỗ Lan Hương- Hiệu trưởng trường mầm non Tà Tổng. 7h sáng, khi những màn sương dày đặc vẫn bủa kín trên những cánh rừng Mường Tè, chúng tôi lên đường. Những lời cảnh báo của các thầy giáo nói với chúng tôi trước giờ đi bắt đầu hiện lên trước mắt. Vắt nhiều vô kể, đặc biệt là những nơi ẩm ướt như rừng tre, rừng nứa. Chúng cứ ngoi đầu lên, quyết bám lấy chân người. Mặc dù được che, bịt bằng những đôi tất cùng với dầu xoa, nhưng xem ra cũng chỉ giảm được đôi chút bởi cứ chốc chốc lại có người trong đoàn ngồi lại vạch kẽ chân, lột tất bắt những con vắt no mòng máu.
Không chỉ có lội suối, trèo đèo mà nhiều chỗ đoàn chúng tôi chỉ còn cách gạt cây, bẻ cành để lấy đường đi. Mặc dù là phụ nữ nhưng trong chuyến "hành quân" này, cô giáo Hương lúc nào cũng là người dẫn đầu với đôi chân phăng phăng đạp cỏ, lội suối. Chị bảo: "Năm nào cũng phải vào đây gần chục lần. Lần đầu đi cũng sợ lắm, hai cổ chân sưng tấy tưởng chẳng thể về được, nhưng dần cũng quen. Giờ thì quen rồi. Có như thế các nhà báo mới thấy sự gian khó của giáo viên ở đây đến nhường nào".
Góp chung câu chuyện của cô giáo Hương, thầy Cường cũng cho hay: "Cách đây vài năm, nhận được thông báo của phòng giáo dục huyện tiến hành kiểm tra ở Tia Ma Mủ, tôi lập tức phải vào đây làm tiền trạm. Đang lội suối Nậm Ngà thì nghe thấy đằng xa tiếng ồ ồ, ào ào như tiếng đá va chạm vào nhau. Biết là chuyện chẳng lành, tôi lập tức chạy thẳng lên bờ, rồi leo lên một cây gần đó. Quả thật chỉ trong nháy mắt những tảng đá to bằng cái chiếu cùng với thân cây rừng cứ lăn ùng ục dưới dòng suối lao nhanh về xuôi. Lần ấy nếu không nhanh trí thì chết chắc bởi chỉ cần một cơn mưa to nơi thượng nguồn, dòng suối trở nên hung dữ đến ghê người từ những cơn lũ ống, lũ quét".
Xót lòng nghe kể chuyện nghề
Mất gần một ngày, chúng tôi mới đặt chân đến Tia Ma Mủ trong bộ dạng bơ phờ mệt mỏi. Nhưng tất cả đã biến mất khi những bài hát, tiếng ê a đánh vần của các em học sinh vang lên trong những phòng học tạm bợ.
Quả thật, với những lớp học ở điểm trường này, nếu nhìn từ ngoài, tôi dám chắc một điều nhiều người sẽ ngộ nhận đó là những chuồng trâu. Bởi lớp học được dựng bằng nhiều cột, thay cho ván che là mấy tấm, nửa ván nửa giằng, bắc ngang nối các cột. Làm lớp học kiểu ấy có thể nói cũng là "sáng tạo" phòng học thoáng, ít bị tối, nhưng mà rét kinh khủng.
Thầy Nguyễn Đức Cường cho biết, "để có được những lớp học như thế này cũng là cố gắng lắm rồi. Ngoài mục đích che mưa, che nắng thì mỗi khi trời lạnh, lớp học chẳng khác gì ngoài sân, thầy trò co ro chịu rét. Thậm chí, có đốt lửa ở phía cuối lớp nhưng cũng chẳng thể ngăn được bởi gió cứ thông thốc lùa vào".
Không chỉ có thế, do điểm trường nằm chênh vênh trên sườn núi nên nước sinh hoạt cho thầy cô cùng các em học sinh cũng rơi vào cảnh khan hiếm. Để có nước, các thầy cô phải thiết kế những đường dẫn nước dài đến hàng trăm mét bằng những thân luồng bổ dọc, để rồi chắt chiu dành cho sinh hoạt hàng ngày. Tương đồng với nó là cảnh thiếu điện, thiếu thông tin. Muốn gọi điện liên hệ về với gia đình, các thầy cô giáo chỉ còn cách đi bộ hơn 10km mới có thể "bắt" được sóng điện thoại.
Thầy Ngô Đức Việt cho biết: "Ở trong này, chúng tôi gần như chẳng biết gì thông tin thời sự xảy ra hàng ngày. Cũng vì một lẽ thiếu điện, không có sóng điện thoại, muốn có báo để đọc nhưng cũng khó bởi một tháng cũng chỉ vài ba lần anh em thay nhau ra điểm trường trung tâm mang về thì mới có thôi".
Với 48 học sinh cùng 5 lớp học từ mầm non cho đến lớp 5 nhưng để giữ được quân số như hiện nay, các thầy cô giáo ở Tia Ma Mủ phải cố gắng, quyết tâm, vận động chúng đến trường. Cô Lương Thị Thuận, giáo viên dạy lớp 5 nói với chúng tôi: "Mặc dù có 5 thầy cô giáo tham gia giảng dạy nhưng để có học sinh tới trường, chúng tôi phải trải qua một quá trình vận động hết sức vất vả. Trẻ càng lớn, vận động chúng đến trường càng khó bởi một nhẽ gia đình của các em quá nghèo. Nếu như ở dưới xuôi bọn trẻ được đến trường một cách đầy đủ và bài bản thì ở trên này mới được vài tuổi đầu chúng đã phải theo mẹ lên nương hoặc ở nhà trông em cho người lớn đi làm. Không chỉ có thế, nếu đến trường mà bụng lúc nào cũng ọc ạch, sôi lên ùng ục vì đói thì chẳng học sinh nào có thể chú tâm vào học được nữa".
Thầy Hoàng Văn Sáo dạy lớp 1 của điểm trường Tia Ma Mủ cũng cho hay: "Chuẩn bị vào đầu năm học, cánh giáo viên chúng tôi lại phải đến từng nhà vận động cho con em mình đi học. Mà đâu có dễ bởi để đến được hết các gia đình ở đây, chúng tôi phải mất nhiều ngày trời. Cá biệt có em học sinh cứ học được hai, ba ngày rồi lại nghỉ. Khi thầy giáo tìm đến nhà để vận động đi học thì cha mẹ các em còn ngăn cản "nhà nghèo lắm, cho nó đi học thì lấy ai ra trông nhà, chăm em. Cho nó ở nhà giúp được khối việc, chứ cho nó đi học thì đói lắm"”.
Với đặc thù 100% dân số là người Mông nên các thầy giáo lại là những người dạy ngôn ngữ. Thầy Lò Văn Phệ, giáo viên dạy lớp 4, tâm sự với chúng tôi: "Để học sinh nhận thức nhanh nhất, chúng tôi đã có một yêu cầu là tất cả học sinh khi đến lớp phải nói với nhau bằng tiếng Kinh thay vì tiếng của dân tộc mình. Nói thì vậy nhưng để tập được thói quen này cũng vất vả chẳng khác gì đi vận động chúng đến trường"...
Trong khó khăn nhưng vẫn luôn tin vào ngày mai
Chia tay những thầy cô giáo ở điểm trường Tia Ma Mủ khi ngày nhà giáo Việt Nam đã cận kề, chúng tôi vẫn nhớ như in lời của cô giáo Lương Thị Thuận, người có thâm niên lâu nhất tại điểm trường này khi tâm sự về ngày nhà giáo: "Gần chục năm dạy học mặc dù chưa có được một ngày 20/11 đúng nghĩa nhưng chúng tôi vẫn lấy làm vinh dự khi hàng ngày được đứng trên bục giảng dạy chữ cho đám trẻ nơi rừng thiêng nước độc này. Dẫu còn khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tin vào ngày mai, một ngày rạng ngời của thế hệ trẻ Tia Ma Mủ đứng dậy từ con chữ thay vì lên nương trồng ngô, săn thú như thế hệ trước đó".
Theo Nguyễn Bắc - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]