Vượt 700 km bằng đi bộ
Nguyễn Công Trạng (20 tuổi, thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) là người vừa viết lên câu chuyện khó tin về nghị lực sống của cuộc đời mình khi đi bộ gần 700 km xuyên các tỉnh miền Trung để về nhà.
Đầu tháng sáu, giữa những ngày hè oi bức, Trạng đã quyết định một cuộc hình trình đi bộ để về quê nhà mà điểm bắt đầu là tại TP.HCM. Trạng đã có sự chuẩn bị khá kĩ lưỡng cho chuyến đi dài đầu tiên của mình.
"Tôi đã dành khoảng 3 ngày để chuẩn bị mọi thứ cần thiết nhất cho chuyến hành trình. Mặc dù mình đã thử đi bộ từ TP.HCM xuống Vũng Tàu rồi nhưng đây là chuyến đi dài hơi nhất mà mình trải nghiệm. Trước ngày đi mình nằm thao thức chẳng thể ngủ được lòng dạ cứ nôn nao. Có người bạn đã khuyên tôi: "Thôi Trạng bắt xe về đi, chứ đi xa như vậy lần đầu tiên làm bọn mình cũng lo lắm". Tôi cười và vẫn quyết định đến với thử thách".
Trạng: “Đi là cách để rèn luyện ý chí nghị lực”.
Đúng 5h ngày 7/6, chuyến hành trình của chàng sinh viên bắt đầu. Một ba lô quần áo, một đôi giày dép và 1,5 triệu đồng là những gì đem theo. Chi phí ăn uống khoảng 100 nghìn/ngày. “Lúc đầu tôi định chạy về luôn nhưng mang đồ nhiều quá đành phải đi bộ”, Trạng cho biết. Cuộc hành trình đi qua 6 tỉnh thành phố với nhiều gian nan thử thách mà không thể nào lường trước được.
Trạng kể: “Thời tiết ở miền Trung thường mưa nắng khá khắc nghiệt, nên đã ảnh hưởng rất nhiều cho chuyến đi, vì thế hành trình mất nhiều thời gian hơn dự kiến”. Theo Trạng, chuyện chân bị phồng rộp như cơm bữa. Cứ đi khoảng nửa ngày chân cậu lại phồng lên, không chỗ này cũng chỗ khác. Chính điều này đã làm Trạng phải dừng lại nhiều lần. Chỗ phồng bọng nước Trạng lại lấy vật nhọn đâm vào cho phun nước ra xẹp xuống và tiếp tục đi tiếp.
Chàng sinh viên đi bộ mất 2 ngày/tỉnh, những tỉnh nào có địa hình ngắn thì mất một ngày, nhưng có khi phải mất 3 ngày mới qua hết một tỉnh. Bình Thuận và Phú Yên là mất nhiều thời gian nhất vì địa hình dài. Cứ đúng 5h, Trạng laị bắt đầu xách ba lô lên và đi đến 11h mới nghỉ trưa. Từ 1h chiều cậu lại bắt đầu cuộc hành trình. Có hôm trời nắng thì Trạng nghỉ trưa tới 3h chiều mới đi tiếp đến 10h mới dừng chân.
Quán cà phê, quán nước hay ghế đá công viên hoặc nhà dân là nơi Trạng nghỉ trưa và tá túc qua đêm. Có những khi đêm tối, do chưa quen và các điểm dừng chân cách nhau khá xa nên mỗi chặng đường hàng ngày, Trạng thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức. Rất may những lúc đó lại được người dân ven đường giúp đỡ, mời vào nhà nghỉ ngơi uống nước rồi tiếp tục hành trình.
Trạng thường xuyên rèn luyện sức khỏe.
Điều thú vị, cũng là kỷ niệm chàng trai hai mươi tuổi này nhớ như in là những ngày mà nhỡ độ đường không điểm dừng chân phải đi xuyên qua cả bóng đêm không ánh đèn đường. Tiếng bước chân như xé tan màn đêm tĩnh mịch. Khi vắng vẻ chỉ là những cồn cát gió hú thật đáng sợ. Lúc lại thấp thoáng những ngôi mộ cũ và mới trên bãi cát vàng. Đan xen những hàng thông phấp phới trong ánh bàng bạc biển đêm lấp lánh của những chiếc thuyền đánh cá đêm. “Lúc đó tôi cố gắng đi thật nhanh để xóa tan đi cái sự cô đơn và hơi chút sợ hãi, nhưng đi được một đoạn vì chân lại phồng lên”, Trạng nói.
Triết lý sống của chàng sinh viên trẻ
Chặng đường đầu tiên và cuối cùng với sự nản lòng luôn đeo bám thì chưa bao giờ là dễ dàng cả. Theo Trạng, đoạn đường đầu tiên từ TP. HCM ra hết địa phận tỉnh Đồng Nai, đi khoảng vài cây số đã thấy nản chí, nhưng với sự quyết tâm cao độ Trạng cũng đã vượt qua.
“Lúc đó quay lại nhìn đoạn đường mình đi, tôi đã tự khen mình: Ôi! Sao mình giỏi thế, để tự an ủi lòng mình và xua tan đi những khó khăn”, Trạng hớn hở. Chặng cuối cùng, trước mặt là con đèo Cả, đoạn giữa Khánh Hòa với Phú Yên, với địa hình cheo leo, xung quanh chỉ là đồi núi. “Lúc đó nản thật sự luôn rồi, chỉ một mình, nên vừa đi vừa nghỉ. Lúc nghỉ thì cũng lên mạng xã hội để trút hết tâm trạng nên cũng được bạn bè quan tâm động viên và cũng tiếp tục”, Trạng cho biết.
Nhờ thường xuyên rèn luyện và nghị lực của tuổi trẻ, chàng trai này đã thực hiện được điều tưởng chừng như không thể đổi với nhiều bạn trẻ.
Có quá nhiều lần, cùng vô vàn lí do mông lung để tưởng chừng chỉ 1 khắc nữa thôi, bạn ấy sẽ bỏ cuộc. Bởi lẽ có quá nhiều điều mới mẻ mà Trạng không thể kiểm soát được, chẳng hạn như việc ăn uống không hợp vệ sinh khiến đau bụng, mất sức và dẫn đến nản chí, nhưng lúc ấy mình lại tự nhủ trong lòng: “Không, mình không thể bỏ cuộc”.
Cuối cùng thành công sẽ đến với những người biết trân trọng, biết cố gắng đến cuối cùng. Sau 11 ngày lênh đênh ở dọc dải đất của hết thảy 6 tỉnh thành, Trạng cũng về đến được nơi mình cần đến, đó là quê hương. Trạng về tới Bình Định vào ngày 17/6. Về tới nhà, tất cả người thân và cha mẹ Trạng đều không thể tin được, khi thấy da chuyển thành hai màu đen xạm, nâu đen mới biết con mình đi như vậy.
Trong cuộc gặp với chúng tôi mới đây, ông Nguyễn Hữu Minh, (47 tuổi) cha của Trạng vẫn ngạc nhiên: “Tôi không thể tin được, lúc đầu tôi không hề biết cháu đi và khi hàng xóm đi xe dọc đường thấy cháu đi bộ về kể tôi không tin. Cứ nghĩ cháu đi từ thiện với hội nào đó thôi, chứ không nghĩ là cháu đi bộ về. Khi tới nhà, cháu nói tôi mới biết và cảm thấy quá bất ngờ, cảm xúc tôi lúc đó vừa mừng vừa lo, điều quan trọng hơn là thấy tự hào về con mình”.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]