Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001) là con trai của chị Phan Hồ Điệp (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) và PGS.TS Đỗ Xuân Thảo. 13 tuổi, thần đồng Việt có cuộc sống tự lập khi trở thành học sinh trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ) trong khi gia đình ở Việt Nam.
Vượt qua mọi khó khăn khi xa gia đình, Đỗ Nhật Nam gặt hái được nhiều thành công đáng nể. Ngày 31/10 vừa qua, thần đồng nhỏ tuổi vinh dự được là đại biểu châu Á phát biểu tại hội nghị Khoa học Giáo dục TDExKID (Mỹ) với chủ đề khoa học về nụ cười. Bố mẹ Nhật Nam không được trực tiếp xem con trai phát biểu, nhưng luôn theo dõi mọi cử chỉ của con qua Youtube đã có những chia sẻ xúc động.
Hình ảnh của Nam tại hội nghị do anh Đỗ Xuân Thảo đăng tải trên trang cá nhân.
Chị Phan Hồ Điệp viết lại cảm xúc của mình: "Mẹ ơi, mẹ vui không? Mẹ vui sao mẹ khóc? Lúc em phát biểu, biết bố mẹ đang xem, em có nháy mắt với bố mẹ đó. Mẹ nhìn thấy không?" - Ngày đầu tháng 11, một cảm giác không thể gọi thành tên, Nam à".
Trong khi đó, cha của Nam là PGS.TS Đỗ Xuân Thảo đã khiến nhiều người cảm động bởi bức thư gửi con trai.
Nguyên văn bức thư gửi con trai của anh:
"Khi nhìn thấy bảng điện tử của chương trình truyền trực tiếp từ Hội nghị TED hiện lên dòng chữ Do Nhat Nam, bố mẹ vỡ òa trong niềm hạnh phúc và tự hào. Giây phút đó, bố chỉ biết nghẹn ngào.
Có gì như là nỗi nhớ thương dâng lên vời vợi. Không nhớ, không thương sao được cái thằng con trai lồng ngồng của bố. Mấy ngày trước khi tham gia báo cáo, con cứ bồn chồn. Con bảo, ước gì con có thể gửi thư trả lời cho BTC Hội nghị rằng, sẽ có tên bố mẹ trong danh sách những khách mời tham gia. Hôm trước nhắn tin cho bà Jo, bà ấy bảo hy vọng sẽ được gặp bố mẹ trong ngày con báo cáo ở Hội nghị Khoa học Giáo dục TED.
Đọc tin nhắn của con và của bà Jo, bố thương lắm, thương lắm con à! Đường xa vạn dặm, bố không còn có thể với tay là được thấy con như lúc con ở nhà nữa. Không còn mở mắt ra là được thơm con, từ ngón chân lên tới tận đỉnh đầu. Không được ôm con thật chặt, cà bộ ria mép lởm chởm của bố lên má con non tơ, phúng phính. Và không được rong ruổi tháp tùng con qua các cuộc thi, mà mỗi cuộc thi với con cứ nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, như một viên kẹo ngọt ngào.
Ngày con phát biểu, đúng vào ngày lễ Halloween. Nếu được tham gia vào lễ hội đó, chắc bố sẽ hóa trang thêm đôi cánh thiên thần. Mặc kệ mọi người cười ông già lẩm cẩm, bố cứ làm thế. Bởi đơn giản một điều, khi có đôi cánh thiên thần, bố sẽ bay vèo đến cạnh con. Để ôm con thật chặt bằng hết sức lực của bố. Để thơm con một miếng. Ngon lành hơn thơm má người tình. Và để nhìn con, dài như hơi thở. Cho bõ nỗi nhớ nhung, bõ ngày tháng đợi chờ, bồn chồn da diết…
Có gì như là niềm tự hào. Tự hào quá ấy chứ. Cái thằng con trai tồ tẹt của bố vượt xa cả bố về độ tự tin, sự mạnh dạn, lưu loát và luôn đủ bản lĩnh làm chủ các cuộc chơi. Người ta nói: "Con hơn cha là nhà có phúc".
Khi thấy con xuất hiện để trình bày, báo cáo trước hàng nghìn bạn bè quốc tế, bố đã rơm rớm nước mắt. Lúc ấy, bố thầm khấn cảm tạ trời đất tổ tiên đã ban cho bố chữ Phúc.
Ông nội con, người hiền lành đến độ như cả cuộc đời chỉ biết thở và cười đã luôn dạy bố rằng, mỗi con người được sinh ra trên cuộc đời này là một chữ Phúc nhỏ và khi người nào đem lại được niềm vui cho mọi người thì tích được chữ Phúc lớn. Con đã ít nhiều làm được điều đó. Bản thân con, đã mang đến cho bố chữ Phúc lớn. Bố không tự hào sao được.
Có gì như là nỗi rưng rưng. Rưng rưng lắm chứ. Con vượt xa ngàn dặm tít tắp ở tuổi 13. Ở cái tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, con đã nhanh chóng vượt lên nỗi nhớ, vượt lên những rào cản về văn hóa, về địa lý để hòa nhập với cuộc sống mới. Ngày con bước chân đi xa, tâm trạng bố rối bời. Đêm nào bố cũng nằm mơ thấy khuôn mặt con đầm đìa nước mắt. Khi tỉnh dậy thì hóa ra nước mắt bố thấm ướt nhoèn trên gối. Bố sợ con buồn, sợ con cô đơn, sợ con bỡ ngỡ, sợ con lạc lõng. Nhưng rồi, trái với nỗi lo sợ của bố, con lúc nào cũng cười toe, lúc nào cũng trêu chọc bố mẹ mỗi lần gọi về nhà để khỏa lấp nỗi trống vắng, nỗi nhớ nhà.
Con cứ luôn miệng hỏi: "Bố có dùng cái phích nước con mua tặng bố không? Bố có dùng cái bút có chữ Dallas con mua tặng bố không?". Bố hiểu, con sợ bố lo buồn, sợ bố trống trải nên con hỏi vậy để nhắc bố rằng, con luôn bên bố, bằng cách này hay cách khác. Con trai yêu của bố, tất nhiên là bố nâng niu những thứ con mua tặng như những báu vật tinh thần. Bố như ông già tỉ mẩn, chiều nào khi đi làm về, việc đầu tiên là với lấy cái phích con mua tặng để pha trà. Bố cho trà vào chầm chậm, đổ nước sôi chầm chậm và ngồi bó gối chờ trà ngấm.
Trong lúc đó, bố trò chuyện với cái phích, như thể bố đang được nói chuyện với con. Pha chè an thần vào phích con mua, bố cảm thấy như mình sẽ ngủ tốt hơn. Đấy, bố chỉ dựa vào những điều đơn giản đó để khỏa lấp nỗi nhớ. Thế nên khi nhìn thấy hình ảnh của con được cùng lúc truyền đi khắp toàn cầu, bố rưng rưng lắm chứ. Bố cứ chạm tay vào cái màn hình để như được chạm vào nụ cười con tươi rói, chạm vào ánh mắt, chạm vào da thịt con. Chạm vào trong nỗi rưng rưng, lắng đến sâu sa tình cha con da diết.
Có gì như là sự cảm động dâng trào. Cảm động quá! Bởi bố biết, để có được những phút giây phát biểu trước hội nghị, ngoài công sức của con còn là sự gom góp yêu thương của biết bao nhiêu người đã lo cho con, vui với con, thương yêu con, tin tưởng con. Là cô Dung, chú Tim luôn động viên, giúp con lên ý tưởng. Không quản đường sá xa xôi, chú Tim nghỉ làm để đưa con tham gia hội nghị. Là thầy cô, bạn bè ở trường Saint Paul luôn nói với con rằng, Việt Nam tuyệt vời. Là bà Jo, người hàng xóm nhân hậu, tốt bụng, hàng tối nhắn tin chúc con sẽ ngủ ngon và đón một ngày mới với thật nhiều niềm vui. Là các bác, các cô, các chú ở quê nhà luôn gửi những dòng tin yêu thương, động viên chúc mừng con từ những thành công nhỏ nhất...
Tất cả những điều đó mang lại cho con một sự trải nghiệm tuyệt vời. Trải nghiệm về tình thương yêu. Để con có thể bước đi một cách mạnh mẽ dưới ánh mặt trời. Để con dù rời xa vòng tay bố mẹ vẫn ấm áp trong sự bao bọc của tình người đậm đà, sâu nặng. Vậy nên, bố cảm động lắm lắm con à!
Và có gì như là niềm vui. Bài phát biểu của con lần này có chủ đề Khoa học về nụ cười. Trong đó, con tìm hiểu các cơ chế của não bộ xem tại sao và bằng cách nào mà người ta lại cười. Sau đó, con kể câu chuyện của riêng con về những cảm nhận mà nụ cười mang lại, về cơn gió thoảng dịu dàng đưa hạt giống đến nơi đất lạ để ươm mầm xanh, khiến "Đất lạ hóa tâm hồn".
Bố vui lắm, bố cười lên để xem những điều con kiến giải về nụ cười có đúng không nhé. Và bố cười to đây con: "Ha, ha, ha, ha". Quả thực đúng như vậy con à. Bố thấy xung quanh tràn ngập ánh sáng hạnh phúc. Và đặc biệt bố thấy con hiện ngay bên bố. Lúc con cười mủm mỉm. Lúc con cười giòn tan. Lúc con cười sảng khoái. Lúc con cười pha chút phụng phịu, dỗi hờn… Bố đều thấy hết.
Con ơi! Con có biết không, đối với những người làm cha mẹ, nụ cười của đứa con là món quà vô giá từ cuộc sống. Học Vật lý chắc con biết, trong mỗi ngôi nhà, người ta làm cột thu lôi để thu nhận sấm sét, để giữ cho căn nhà được bình yên trước những vần vũ của đất trời. Đối với bố, nụ cười tươi tắn của con, chính là cột thu lôi đó. Bằng khả năng đặc biệt của mình, nó thu vào đó những buồn nản, mệt mỏi, những nỗi lo sợ, những cơn giận dữ, những điều phiền trách, nóng nảy….
Bố nhớ lần đầu tiên, khi con vừa mới lọt lòng, bố khẽ gọi tên con và nắm vào bàn tay con nhỏ bé, bố thấy con mỉm cười với bố. Mẹ thì cứ cho rằng bố tưởng tượng ra vì con vừa lọt lòng, sao đã biết cười được. Nhưng mẹ không hiểu đâu, có một sợi dây kỳ diệu đã nối con với bố, chẳng khác gì sợi dây rốn nối con với mẹ. Sợi dây của tình máu huyết cha con thiêng liêng chảy trong từng tế bào, trong từng nhịp đập con tim nối con và bố. Nên con gửi nụ cười ngay trong phút giây đầu tiên gặp mặt bố cũng dễ hiểu thôi phải không con.
Và rồi, từng giờ, từng khắc con lớn lên, bố đều được hưởng trọn vẹn nụ cười trong trẻo. Cái thằng con trai của bố, may mắn thay, lại rất hay cười. Mỗi lúc con đi học, đi chơi về, lúc con học bài, con xem phim… hay chỉ là khi con ở trong bếp với mẹ, nhà mình lúc này cũng ăm ắp tiếng cười của con. Nó làm tim bố mềm dịu lại, trong mênh mang thương yêu lên ngôi. Nụ cười con làm gió bão tan trong tích tắc, làm mưa nhẹ hạt dịu dàng cho bố mỗi khi đường xa gánh mỏi. Như thế, nó chẳng phải là cột “thu lôi” là gì con nhỉ.
Con à, bố đã đọc cho con nghe Nhị thập tứ hiếu ngay từ khi con còn nhỏ xíu. Trong sách đó có nhân vật Lão Lai. Lão Lai già khú đế mà vẫn diễu trò cho mẹ vui. Ông già ấy giả vờ té ngã như con nít để mẹ được cười. Lúc đó, con đã ôm cổ bố cười to và nói: "Bố ơi, khi nào bố mẹ già, con sẽ làm trò cho bố mẹ cười như thế nhé".
Bố đã cười phá lên và trêu con: "Ôi chao, bố tưởng tượng cái thân hình ục ịch này mà vờ té ngã thì ai mà không cười được cơ chứ".
Nói vậy nhưng bố lại lẳng lặng quay đi lau nước mắt vì cảm động trước tình con trong như pha lê... Con ơi, nụ cười của người già dù là mù lòa, nghễnh ngãng, dù là móm mém đều đẹp lắm, đẹp như cả thế gian gom thu lại trong đó. Ấy không phải là nụ cười vì tiền bạc, vì quyền bính thế gian. Đó đơn giản chỉ là nụ cười của hạnh phúc khi được sum vầy, được ở bên con cháu. Vì thế nên nó đẹp và an nhiên đến vô cùng.
Và con. Bố cảm động biết bao, bởi ngay từ khi con còn nhỏ xíu, từng việc con làm, từng điều con nói đều chỉ với mong muốn mang lại thật nhiều nhiều nụ cười và niềm vui cho bố mẹ.
Bài phát biểu khoa học về nụ cười của con, bởi vậy đã thành đóa hoa hàm tiếu sáng trong nở rực rỡ trong lòng bố.
Bố chúc mừng con trai vì những trải nghiệm đẹp đẽ về tình thương yêu và về những nụ cười rạng rỡ con tặng cho bố mẹ. Bố hòa điệu cười, hòa niềm vui cùng con, con trai vô cùng yêu thương của bố nhé".
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]