- Thưa Bộ trưởng, trong một lá thư gần đây của một em học sinh lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công khai trên mạng Internet và được rất nhiều người ủng hộ. Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến này?
- Đây là nhận định đúng của các học sinh. Chương trình và sách giáo khoa mà chúng ta đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy là chú trọng truyền thụ kiến thức và khi chúng ta truyền đạt như vậy thì tiêu chí đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông là do vị trí, tầm quan trọng, mức độ phát triển của khoa học quyết định.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Với sự bùng nổ của những thành tựu khoa học công nghệ, thì sẽ dồn từ bậc học cao như từ đào tạo tiến sỹ trở xuống dẫn đến các chương trình dạy và học ở phổ thông được tăng cường.
Cũng do cách thức thiết kế sách giáo khoa theo từng lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống. Khi đó, việc không dễ hiểu và không tự học là chuyện bình thường. Do vậy, hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh.
Trong quá trình chuẩn bị đề án để Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Bộ GD-ĐT cũng đã phân tích rất kỹ hạn chế trên và đi đến quyết định chiến lược là chuyển đến nền giáo dục chú trọng năng lực và phẩm chất, kiến thức, tri thức và việc truyền thụ tri thức cho học sinh được coi là nhiệm vụ số một.
Việc truyền thụ đó là mục tiêu trung gian, thậm chí coi là công cụ để các cháu từng bước củng cố và nâng cao kỹ năng phẩm chất trong quá trình phát triển thành con người mới.
Nói về phân ban khối thi và ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), thì cách đây 40 năm tôi đi thi đại học cũng đã thi theo khối và số lượng các khối thi lúc đó chưa nhiều như bây giờ và được duy trì đến nay và có sự thay đổi là khối thi tăng lên.
Khi chúng ta thi theo khối đó, dẫn đến các cháu học ưu tiên các môn, còn việc thi ba chung đã xuất hiện cách đây từ 10-20 năm từ thực tế thi theo khối do các trường học tự lo dẫn đến tình trạng bức xúc trong xã hội. Ý thức được việc này, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc và quyết định là thay vì từng trường ra đề theo khối thi thì Bộ ra đề thi và chung trường, chung đợt giúp cho các trường có điều kiện tập trung hoạt động chuyên môn.
Nếu chúng ta không thay đổi thì không phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình hội nhập với thế giới, chúng tôi đang tính toán phương án thay đổi phương thức thi cử nói chung, trong đấy có thi tuyển sinh.
- Một khán giả băn khoăn: “Học thế nào thì thi thế ấy. Tôi không biết năm 2015, Bộ có còn cho thi đại học tập trung nữa hay không, nhưng các cháu tôi từ cấp THCS đến nay đã được định hướng học và ôn thi đại học theo các khối A, B, C rồi. Chúng nó học lệch hết cả, giờ đổi mới toàn diện, mọi mặt ngay lập tức thì liệu các cháu tôi có đứt gánh giữa đường không”?
- Tôi cho rằng, các ý kiến của xã hội trước bất kỳ sự thay đổi nào đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục đều khác nhau, trái chiều có và đều đúng cả.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là phải thay đổi, nhưng có lộ trình và không đột ngột, không gây khó cho các cháu, không gây khó cho xã hội và làm từng bước, căn bản.
Việc này chúng tôi đã triển khai và trong quá trình chỉ đạo dạy và học đã yêu cầu giảm tải, thay đổi nội dung, đặc biệt là cách thức thi kiểm tra trong quá trình học của các cháu, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo như vậy thì việc thi tốt nghiệp THPT trong năm 2014 vừa rồi đã có sự thay đổi lớn, thi tuyển sinh ĐH cũng đúng theo hướng là kiểm tra năng lực không kiểm tra kiến thức thụ động của các cháu nữa.
Trước khi tổ chức, xã hội cũng có băn khoăn, nhưng qua thực tiễn cho thấy, các cháu đón nhận sự thay đổi của kỳ thi một cách nhẹ nhàng, dễ dàng, các thầy cô giáo cũng đón nhận phấn khởi và ý thức được rằng sẽ tiếp tục có thay đổi trong cách dạy, cách học trong những năm tới.
- Một học sinh tên là Trần Hà Phương ở miền Trung có gửi thư về chuyên mục cho biết: “Kính thưa Bộ trưởng, cháu là một thí sinh vừa thi ĐH và không đậu nguyện vọng 1 vào trường dự thi. Năm nay, cháu định ở nhà ôn để năm sau thi tiếp nhưng cháu mới biết tin Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới toàn diện giáo dục và việc thi cử từ năm sau, đặc biệt là không tổ chức thi ĐH. Vậy những thí sinh muốn thi lại ĐH như cháu thì sẽ như thế nào?
- Tất cả những thay đổi trong quá trình dạy và học kiểm tra đánh giá thi cử trong năm học đặc biệt sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học đều phải tính toán đến lợi ích của các cháu với những yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật để tiến tới sự đổi mới căn bản, nhằm đào tạo ra một thế hệ trẻ có năng lực phẩm chất và đáp ứng yêu cầu.
Với từng bước đi cụ thể và tính đến yếu tố đặc điểm tâm sinh lý, và lợi ích của con trẻ. Làm sao tính toán đổi mới để các cháu phát triển thuận lợi, hoàn thiện hơn và không tạo sốc.
Tôi đảm bảo rằng, những ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình là các cháu sẽ thuận lợi hơn.
Trước kia, thi hai kỳ nhưng bây giờ các cháu thi một kỳ, bài làm theo hướng không phải học thuộc lòng mà là đánh giá nhận thức, tình cảm, ý thức đối với những vấn đề của đất nước, xã hội. Qua kỳ thi này, nhà trường sẽ có những đánh giá chính xác về năng lực của học sinh.
Còn phần khó, nếu có thì nhà trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý chúng tôi phải đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu và phụ huynh học sinh, không để các cháu khó khăn trong cả quá trình học và thi cử.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]